Vệ Sinh Phòng Bệnh Trong Trại Chăn Nuôi | Vetshop.VN


Vệ Sinh Phòng Bệnh Trong Trại Chăn Nuôi

Đăng bởi: | ngày: 3.4.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ảnh minh họa. Dịch bệnh đang là mối lo ngại lớn đối với ngành chăn nuôi heo hiện nay. Để có thể giúp đỡ người chăn nuôi tự chủ hơn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, bài viết dưới đây sẽ trình bày những kiến thức cơ bản về công tác vệ sinh và phòng bệnh cho trang trại chăn nuôi của mình…

1. Tiêm phòng

Tiêm phòng là một trong những biện pháp giúp phòng ngừa dịch bệnh một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, để việc tiêm phòng đạt được hiệu quả cao cần phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sau:

a) Kế hoạch tiêm phòng:

Cần phải dựa vào quy trình tiêm phòng của cơ quan thú y kết hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương và các vùng lân cận để đưa ra kế hoạch tiêm phòng. Thông thường có 3 bệnh cần được chú trọng tiêm phòng là dịch tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn. Một số vaccin khác cũng được nhà chăn nuôi sử dụng như thuốc chủng ngừa FMD , Giả Dại ( ( Aujeszky ), Dấu Son… Mặc khác cũng nên đề phòng những bệnh ngoại khoa ở heo nái.

b) Nguyên tắc dùng vaccine khi tiêm phòng:

Dùng vaccine chủ yếu là phòng bệnh và sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định heo mới có khả năng tự miễn dịch, vì vậy khi tiêm vaccine cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau:

Đối tượng tiêm phòng:

  • Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa.
  • Ở nơi bệnh đang phát thì không được tiêm vaccine đối với những heo đã mắc bệnh mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp để điều trị (vì nếu tiêm cho động vật đã nhiễm bệnh thì bệnh sẽ phát sớm hơn, nặng hơn). Đối với những con còn khỏe nhưng do tiếp xúc với những con bệnh nên dễ bị lây nhiễm, vì vậy có thể tiêm kháng huyết thanh cùng lúc với vaccine (nhưng ở vị trí khác nhau trên cơ thể).
  • Ở những nơi chưa có dịch chỉ nên dùng vaccine chết.
  • Nên tiêm phòng cho heo trước 15 – 20 ngày trong trường hợp vận chuyển heo đi xa và sau 20 – 30 ngày trong trường hợp nhập heo từ nơi khác về.
  • Vaccine phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

Hiệu lực của vaccine:

  • Tình trạng sức khỏe sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vaccine. Chỉ tiêm phòng khi heo có thể trạng khỏe mạnh vì lúc đó heo mới có khả năng đáp ứng miễn dịch cao. Không tiêm vaccine cho những con đang nung bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con đang gặp stress (mới thiến chưa lành vết thương, dời chuồng, xổ giun, thay đổi khẩu phần thức ăn). Cũng không nên tiêm vaccine virus nhược độc cho heo mang thai ở thời kỳ thai sớm (1/3 kỳ thai đầu tiên).
  • Một số trường hợp khi tiêm vaccine cho những con có thể trạng tốt nhưng khả năng đáp ứng miễn dịch của những con đó vẫn kém. Điều này có thể do điều kiện ngoại cảnh đã tác động làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó mầm bệnh vẫn có thể xâm nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi.

Thời gian vaccine tác dụng:

Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau 2 – 3 tuần. Trong thời gian đó, động vật chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh. Hiện tượng này có thể dẫn đến những nhận định sai lầm vì cho rằng vaccine không có hiệu lực, vaccine gây ra phản ứng hoặc vaccine gây bệnh.

Liều sử dụng vaccine:

Cần sử dụng vaccine (cho uống, nhỏ mắt hoặc tiêm) đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Nếu thấp hơn liều quy định sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine, nếu tiêm liều cao hơn có thể làm tê liệt miễn dịch hoặc gây ra phản ứng phụ. Đối với vaccine virus nhược độc thường dùng liều giống nhau cho các lứa tuổi ở động vật, còn đối với vaccine vi khuẩn phải dùng theo thể trọng hay theo tuổi mà cho các liều khác nhau.

Số lần dùng vaccine:

Một số vaccine cần được tiêm nhắc lại do có trường hợp dùng lần đầu cho nên kháng thể tạo ra chưa nhiều và bị giảm đi rất nhanh hoặc trường hợp sau khi tiêm một thời gian thì kháng thể được tạo thường suy giảm đến mức hết hiệu lực.. cho nên cần tiêm lần 2 cách lần thứ nhất là 3 – 4 tuần.

Như vậy đợt tiêm đầu tiên cho động vật nên gồm 2 mũi tiêm cách nhau 3 – 4 tuần (thường gọi là đợt tiêm sơ chủng), sau đó để duy trì đáp ứng miễn dịch và nâng cao sức kháng bệnh cần thực hiện tiêm nhắc sau 4 – 12 tháng (tùy theo vaccine, tùy theo động vật và tình hình dịch tễ).

Kết hợp vaccine:

Một số vaccine có thể dùng kết hợp, bằng cách tiêm cùng lúc ở các vị trí khác nhau với những liều quy định. Như vậy động vật sẽ tạo được miễn dịch với nhiều bệnh trong cùng một thời điểm mà không gây những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số vaccine chết không được dùng chung bơm tiêm với các loại vaccine sống nhược độc.

Kiểm tra lọ vaccine trước khi sử dụng:

Trước khi sử dụng bất cứ lọ vaccine nào cũng cần phải kiểm tra những chi tiết sau:
    + Thông tin trên nhãn: (Những chi tiết này cần ghi vào sổ để theo dõi nếu gặp sự cố khi sử dụng)
        > Tên vaccine (có đúng với nhu cầu sử dụng không)
        > Số lô, số liều sử dụng
        > Ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng
        > Thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản
    + Những hư hỏng trong lọ vaccine:
        > Nút: chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài.
        > Lọ thủy tinh có bị rạn nứt không
        > Tình trạng thuốc trong lọ: màu sắc có bình thường không, vaccine có bị vón không, có vật lạ trong lọ không (bụi than, côn trùng, sợi bông…), khi lắc lọ vaccine có tạo thành một dung dịch đồng nhất hay vẫn chia thành 2 lớp (nếu vaccine nhũ hóa hay vaccine keo phèn vẫn chia thành 2 lớp khi lắc là vaccine đã bị hư hỏng không sử dụng được).          

Thao tác khi sử dụng vaccine:

  • Khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vaccine bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng.
  • Sát trùng bằng cồn 70o: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vaccine.
  • Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vaccine (nhất là vaccine sống nhược độc).

c) Những đường cấp vaccine:

  • Tiêm dưới da (SQ): vaccine Newcatle (thế hệ I), vaccine dịch tả vịt, vaccine tụ huyết trùng keo phèn.
  • Tiêm bắp thịt (IM): Thuốc được chích vào trong cơ thường được hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với chích dưới da. Để tránh trào thuốc ra ngoài từ vị trí chích, nên kéo da qua một bên trước khi đâm kim, sau đó đâm thẳng kim vào và bơm thuốc. Khi rút kim ra thì da sẽ bật trở lại vị trí cũ để bao phủ vết chích trong cơ và giữ toàn bộ thuốc ở trong cơ thể. Vị trí chích trên gia súc thường là bắp thịt ở đùi, trên gia cầm là cơ ức.
  • Phun sương, nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhúng mỏ: vaccine Laxota phòng bệnh Newcatle cho gà.

d) Bảo quản vaccine:

  • Vaccine phải được bảo quản đúng kỹ thuật: để ở chỗ tối, râm mát, nhiệt độ bảo quản thích hợp là 20 - 25°C. Vaccine nhược độc được điều chế từ virus phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-15°C) trong quá trình tích trữ và vận chuyển, nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì cần được bảo quản lạnh ở 1 - 4°C.
  • Phải hủy bỏ vaccine quá hạn dùng, đối với vaccine còn thừa nên tiêu hủy ở những nơi quy định, không vất bỏ bừa bãi, nhất là vaccine sống, để không tạo ra biến chủng phức tạp cho việc phòng bệnh sau này.

e) Phản ứng sau khi tiêm vaccine:

  • Sau khi tiêm vaccine, vật nuôi có thể bị phản ứng do: các chất phụ trong vaccine, tiêm vào cơ thể đang nung bệnh hoặc tiêm sâu vào bắp thịt. Phản ứng cục bộ tại chổ tiêm là sưng, nóng, đau… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây apxe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.
  • Tiêm vaccine còn có thể gây phản ứng dị ứng (phản ứng xảy ra nhanh sau khi tiêm). Vật nuôi thể hiện: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẫn trên mặt da (thường gặp ở heo). Nếu phản ứng ở mức độ nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Để tránh phản ứng ở mức độ nặng thì sau khi tiêm ta cần theo dõi cẩn thận trạng thái sức khỏe của đàn vật nuôi trong vài giờ liền. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc chống Histamin như: Dimadron, Epharin, Phenergan, Adrenalin.

2. Công tác vệ sinh - phòng ngừa dịch bệnh

a. Sát trùng chuồng trại

Trong môi trường của 1 trại chăn nuôi có rất nhiều mầm bệnh mà người chăn nuôi không thể biết hết được. Đối với những trại mới xây dựng thì có rất ít vi sinh vật gây bệnh, nhưng với sự hiện diện thường xuyên của heo nuôi sẽ làm mật độ vi sinh vật có hại tăng lên. Cho nên những đợt nuôi heo đầu tiên bao giờ cũng cho năng suất cao, sau đó sẽ giảm dần đi vì những tác hại của một môi trường mang nhiều mầm bệnh gây ra. Vì vậy việc sát trùng chuồng trại là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng nhằm làm giảm mật độ vi sinh vật có hại trong chuồng, không cho chúng phát triển thành dịch lớn, giúp môi trường chăn nuôi sạch sẽ, nhờ đó sức khỏe thú nuôi tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn, ít bệnh, ít tốn thuốc thú y điều trị, năng suất chăn nuôi cao, lợi nhuận cao hơn.

Có rất nhiều công đoạn cần phải sát trùng, thông thường cần thực hiện tốt các công đoạn chính sau đây:
  • Sát trùng chuồng trại trước khi đưa heo vào chuồng nuôi và sau khi heo xuất chuồng. Nên tuân theo nguyên tắc “ Cùng vào – Cùng ra” có thời gian ngắn trống chuồng thực hiện tẩy uế sát trùng kỹ trước khi nuôi đợt heo mới.
  • Sát trùng chuồng trại định kỳ 2 lần/ tuần trong suốt quá trình nuôi, và 1 lần/ tuần đối với môi trường bên ngoài chuồng nuôi.
  • Sát trùng chuồng trại khi xung quanh có dịch bệnh đe dọa, khi trong trại có dịch bệnh và sau khi khỏi dịch bệnh.
  • Sát trùng chuồng trại trước khi heo nái đẻ.
  • Sát trùng chuồng trại trước và sau khi chủng ngừa 1 - 2 ngày. Vì chủng ngừa chính là đưa mầm bệnh vào cơ thể heo cho nên nếu như môi trường bên ngoài có quá nhiều mầm bệnh thì nguy cơ phát bệnh sau khi chủng ngừa là rất cao hoặc khả năng đáp ứng miễn dịch của heo sẽ bị hạn chế. Do đó việc vệ sinh và phun thuốc sát trùng vào chuồng trước và sau khi chủng ngừa là việc rất cần thiết và sẽ giúp cho việc chủng ngừa đạt hiệu quả cao.
Điều quan trọng cần chú ý là việc lựa chọn thuốc sát trùng có tính an toàn cao, không gây độc và gây stress đến heo. Có rất nhiều loại thuốc để sát trùng chuồng trại nhưng đến nay có những chất rất cổ điển đã qua sử dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa giảm tác dụng diệt khuẩn, lại rẻ tiền cần khuyến khích sử dụng như: nước Javel, xút (NaOH), vôi bột (CaO), nước sữa vôi (Ca(OH)2) 10 – 20 %. Các loại này thường được dùng để quét toàn bộ nền, tường, máng ăn máng uống, ổ úm… Tuy nhiên phải chú ý có sự ăn mòn kim loại của xút và Javel, tránh dùng chúng để sát trùng các thiết bị và chuồng sắt, nhôm. Không nên sử dụng những hóa chất độc hại để sát trùng như formon (trước đây rất thông dụng) vì gây tác hại đến da và niêm mạc của cơ quan hô hấp, mắt, bộ phận sinh dục, dễ mở đường cho sự xâm nhiễm mầm bệnh và có nguy cơ gây ung thư cho người.

Hiện nay trên thị trường có những sản phẩm mới đang được sử dụng như:
  • TH4: Sản phẩm của công ty SoGeVal là chất sát trùng rất mạnh có phổ tác động rộng, an toàn cho người và gia súc. Hiệu quả diệt trùng cao của TH4 ở nồng độ pha loãng 0,1 - 0,5%.
  • Các sản phẩm của công ty BAYER AGRITECH Sài Gòn như :
                 * VIRKON         : tỷ lệ pha 1/100, 1/400, 1/1.000 tùy theo mục đích sử dụng.
                 * Farm Fluid      : tỷ lệ pha 1/250.
                 * Longlife 25OS : tỷ lệ pha 1/250.
                 * D.S.C 1000     : tỷ lệ pha 1/1.000.
Thời gian khử trùng nên chọn vào lúc chiều khi ánh nắng đã nhẹ, nên thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi tiến hành sử dụng thuốc sát trùng.

Cần khai thông cống rãnh quanh chuồng cho thoát nước tốt, tránh ứ đọng tạo môi trường cho muỗi phát triển, nên phát quang tránh để cỏ phát triển làm nơi trú ẩn của các con vật nguy hiểm (rắn rết, bọ cạp..) vì chúng tấn công và có thể gây chết cấp tính heo nuôi.

Nơi ra vào chuồng cần có bể, hố chứa nước pha thuốc sát trùng để người ra vào dẫm lên sát trùng giày dép, tránh lây lan mầm bệnh (1 ngày thay thuốc 1 lần, nồng độ thuốc được pha chế theo bảng hướng dẫn).

Trước cổng vào trại heo nên xây hố khử trùng (chiều dài hố bằng 1,5 chu vi bánh xe tải), 3 ngày thay thuốc 1 lần, xe ra vào trại cần phải được phun sương khử trùng một cách nghiêm túc.

b. Công tác vệ sinh

Nguồn nước: Nguồn nước dùng nuôi heo cần phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng (xem thêm trong bài Tầm Quan Trọng Của Nước). Các thiết bị chứa nước cần định kỳ dọn rửa, loại bỏ cặn bẩn, rong rêu.

Thức ăn: thức ăn cũng có thể là nguồn lây nhiễm mầm bệnh, hoặc chứa mầm bệnh.
Các loại thức ăn giàu protein: thường dễ bị phân hủy do nhiệt độ, ẩm độ kho chứa không phù hợp. Thường là sự tự phân, phóng thích khí NH3 làm cho thức ăn trở nên độc, ít dưỡng chất và vi sinh vật có hại phát sinh, dễ gây rối loạn tiêu hóa khi cho heo ăn.

Các loại thức ăn chứa nhiều lipid: các loại thức ăn này dễ bị oxy hóa, ôi dầu, đóng vón khi tồn trữ lâu làm cho heo không thích ăn, hoặc bị rối loạn tiêu hóa khi ăn phải.
Quan trọng nhất là sự phát triển của loại nấm mốc như Aspergillus flavus tạo ra độc tố Aflatoxine có hại cho heo khi ăn phải nếu thức ăn gia súc không được bảo quản tốt.

Sâu bọ, mọt, côn trùng thường phát triển số lượng trong thức ăn tồn trữ lâu, làm cho thức ăn kém phẩm chất, chất bài tiết của chúng có thể gây dị ứng cho heo khi ăn phải hoặc tiếp xúc với chúng.

Vì vậy kho chứa thức ăn phải thông thoáng, nhiệt độ và ẩm độ thích hợp, phải định kỳ sát trùng, thanh lý các lô hàng tồn trữ lâu, hư mốc, đóng vón, phải có biện pháp chống mối mọt, chuột, côn trùng phá hoại. Không nên trữ thức ăn hỗn hợp quá 1 tháng, nguyên liệu không quá 3 tháng. Nên sử dụng những loại thức ăn có ẩm độ thích hợp, đã qua phơi sấy đúng cách, xử lý thích hợp.

Các thức ăn dư sau mỗi bữa ăn phải san kịp thời cho những ô chuồng còn thiếu, tránh để lâu hư hỏng. Các thiết bị chứa thức ăn phải định kỳ sát trùng tẩy uế tránh tình trạng tích đọng thức ăn cũ hư mốc. Máy trộn thức ăn cũng phải vệ sinh sạch thức ăn cũ trước khi trộn những mẻ mới.

Nhân lực: Người cũng là phương tiện trung gian truyền bệnh hoặc mang trùng. Một số bệnh có thể lây truyền từ người sang heo hoặc từ heo sang người như bệnh cúm, ghẻ Sarcoptesscabiei, vi nấm, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, Leptospirosis… Vì vậy cần định kỳ khám sức khỏe, thử huyết thanh một số bệnh cho công nhân trực tiếp lao động thường xuyên gần heo. Cần có trang bị bảo hộ lao động cho công nhân như quần áo, giầy ủng, nón, khẩu trang, mắt kiếng không độ để tránh lây bệnh.

Người bệnh cảm cúm, sốt cao không nên chăm sóc cho heo con, heo nái đẻ, hoặc gieo tinh, đỡ đẻ.

Khách vào thăm trại phải qua nơi sát trùng, có trang phục riêng trước khi vào trại.

Trang thiết bị: Mỗi dãy chuồng cần có những vật dụng như chổi, xô, xẻng, máng ăn, máng uống riêng biệt, không được sử dụng chung với những dãy chuồng khác. Những vật dụng này phải làm vệ sinh hằng ngày.

Các loại dụng cụ thú y cũng phải trang bị riêng cho từng khu chuồng, không dùng chung. Phải sát trùng kỹ trước và sau khi sử dụng.

Vĩ sắt, vĩ nhựa, tấm dale lót chuồng có thể ngâm trong dung dịch thuốc sát trùng trước khi cho thú mới vào chuồng.

3. Công tác cách ly heo mới mua về:

Heo giống mới mua về cần được nuôi riêng ở một nơi cách xa với đàn heo đang có của trại, mục đích là để theo dõi tình hình bệnh lý, sức khỏe của đàn heo mới, tránh tình trạng đàn heo có bệnh, bệnh tiềm ẩn sau một thời gian kiểm tra mới phát và lây lan cho đàn heo hiện hữu. Việc này cũng giúp tránh tình trạng heo mới chuyển từ xa về, trải qua nhiều stress, đàn heo mới dễ dàng mắc những bệnh mà đàn heo hiện hữu đang tiềm ẩn, bệnh cũng có thể bùng nổ mạnh trên đàn mới và tấn công cả đàn cũ, cho nên nếu không kiểm tra kỹ bệnh lan truyền sẽ gây tổn thất lớn.

Thông thường thời gian cách ly có thể từ 30 – 60 ngày hoặc dài hơn nếu nguồn gốc heo mới mua có nhiều nghi vấn. Heo giống ngoại nhập có thể phải nuôi cách ly cả năm hoặc hơn để kiểm tra những bệnh truyền nhiễm lây qua đường sinh sản. Nhập tinh dịch cũng phải nuôi cách ly nái đã thụ tinh để giám định bệnh sinh sản. Kiểm tra chặc chẽ như vậy giúp ngăn chặn kịp thời những bệnh mới từ nước ngoài xâm nhập vào đàn heo trong nước.

4. Phát hiện bệnh và điều trị bệnh sớm

Cần phải khám bệnh cho toàn đàn heo trong trại hàng ngày nhằm phát hiện ngay những con chớm bệnh để có kế hoạch điều trị thích hợp. Có 2 chỉ số quan trọng nhất phải theo dõi:
  • Bệnh số: đây là chỉ số quan trọng nhất (nhất là khi thú bệnh có những triệu chứng giống nhau). Một đàn thông thường sẽ có 1 – 5% là bệnh, nhưng trị số này tăng lên theo thời gian đến 10% hay hơn nữa là dấu hiệu báo động có dịch bệnh bộc phát trong đàn thú nuôi, nhất là khi có cùng triệu chứng bệnh như nhau.
  • Tử số: đây là trị số báo động mức nguy hiểm của bệnh, nếu mức tử số cao, heo chết nhiều, chết nhanh.. thì bệnh rất nguy hiểm, bệnh ở thể ác tính.
Phát hiện bệnh sớm thường có lợi cho công tác điều trị vì thông thường khi phát hiện bệnh trễ thì lúc đó mầm bệnh đã tăng số lượng và tấn công cơ thể mạnh hơn, cơ thể thú bệnh càng suy nhược hơn. Và việc điều trị bệnh sớm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng và chữa bệnh. Khi phát hiện bệnh, cần chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác, và phải điều trị bệnh bằng liều thuốc hữu hiệu ngay từ đầu, tránh tình trạng dùng liều thấp lúc đầu rồi tăng dần liều, khiến cho mầm bệnh mau lờn thuốc (thường dùng liều cao lúc đầu, sau vài ngày bệnh thuyên giảm thì có thể hạ liều để kích thích cơ thể hoạt động tạo miễn dịch và ít gây độc cho cơ thể).

Bên cạnh với việc dùng thuốc chuyên trị với liều hữu hiệu ngay từ đầu thì cần phải bồi dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể đối với thuốc và cả với mầm bệnh. Thức ăn trong giai đoạn bệnh phải đảm bảo vệ sinh, dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất, cần bổ sung thêm một số vitamin A, C, B1, B2, B6, B12… trong đó vitamin C sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh nhiều nhất. Điều quan trọng nữa là đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho heo trong giai đoạn bệnh.

Ngoài ra cần có biện pháp cách ly heo bệnh với đàn heo khỏe. Việc này có thể thực hiện được với những heo cai sữa, heo lứa, nhưng rất khó đối với heo con theo mẹ và cả những heo có thể trọng cao. Vì vậy trong giai đoạn bệnh cần phải tích cực tiêu độc tẩy uế chuồng trại, tiêu hủy bệnh phẩm do heo bệnh bài xuất ra. Biện pháp này nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập thêm vào cơ thể heo bệnh và cắt đứt nguồn lây nhiễm vào những cơ thể theo khỏe mạnh khác, nhờ đó việc điều trị sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

Tóm lại: Cần phải xem việc vệ sinh, sát trùng chuồng trại là một khâu quan trọng nhất trong qui trình phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Nếu làm tốt khâu này sẽ làm cho việc phòng trị bệnh bằng kháng sinh giảm đi rất nhiều, giá thành chăn nuôi sẽ giảm, lợi nhuận đem lại sẽ cao.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y