Tại Sao Salbutamol Bị Cấm Dùng Trong Chăn Nuôi Heo? | Vetshop.VN


Tại Sao Salbutamol Bị Cấm Dùng Trong Chăn Nuôi Heo?

Đăng bởi: | ngày: 24.8.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ventolin, một loại thuốc dựa trên salbutamol
Ventolin, một loại thuốc dựa trên salbutamol
Vừa qua, phần lớn trại heo ở xã Xuân Đông (Chợ Gạo, Tiền Giang) bị phát hiện có sử dụng chất cấm salbutamol. Vậy các trại heo này sử dụng salbutamol làm gì? Nó độc hại thế nào? Và làm thế nào để tránh mua phải thịt heo có dư lượng salbutamol?

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tiền Giang đã túc trực ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm truy tìm những trại heo có sử dụng chất cấm salbutamol. Xã này hiện có khoảng 700 hộ chăn nuôi heo và tổng đàn tới hơn 35.000 con. Tuy vậy, đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn do các cơ sở đều tìm cách né tránh việc kiểm tra. Thực tế, đoàn tuy chỉ mới kiểm tra được 9 trại đã phát hiện có tới 5 trại sử dụng salbutamol. Tất cả các mẫu được lấy đều là heo lớn sắp xuất chuồng và sẽ có mặt ở các gian hàng chợ nếu đoàn không có mặt kịp thời.

Vậy salbutamol là gì và tại sao lại bị chính phủ các nước cấm dùng trong nuôi heo? Cũng như tại sao các hộ nông dân vẫn tiếp tục sử dụng chúng dù bị cấm?

Bản chất hoá học và dược tính

Salbutamol là một chất thụ vận beta (beta-agonist) có tác dụng làm "thư giãn" cơ của các tuyến hô hấp, giúp cho việc hít thở dễ dàng hơn. Trên thực tế, các chất beta-agonist sẽ tác động lên các đầu tiếp nhận (receptor) beta-agonist có mặt trên mọi mô tế bào trong cơ thể. Các đầu tiếp nhận beta-agonist được chia thành 3 nhóm, tuỳ theo vị trí xuất hiện trên cơ thể. Từ đó dẫn tới các chất beta-agonist tương ứng với các đầu này.

Đầu tiếp nhận beta-1-agonist có mặt ở trong các bó cơ nằm tại tuyến niệu và tim. Đầu tiếp nhận beta-2-agonist nằm ở lớp cơ trơn của mạch máu, khí quản, đường tiêu hoá, tuyến bài tiết, tuyến dạ dày, cơ gan, cơ xương. Còn đầu tiếp nhận beta-3-agonist chủ yếu được tìm thấy ở các mô mỡ.

Salbutamol và các loại thuốc như epinephrine, ephridine, clenbutarol, cimaterol, terbutaline và ractopamine đều là các chất beta-agonist. Trong đó, salbutamol thuộc nhóm beta-2-agonist.

Salbutamol sẽ tác động lên các đầu tiếp nhận beta-2-agonist mà một phần các đầu này nằm ở khí quản của động vật. Khi được tác động, các đầu tiếp nhận sẽ giúp khí quản mở rộng hơn, giúp việc hô hấp dễ dàng hơn. Salbutamol được dùng như một loại thuốc chữa các bệnh hen suyễn, đường hô hấp. Nó có nhiều tên thương mại như Ventolin, Ventoline, Ventilan, Aerolin hoặc Ventorlin.

Tuy vậy, như các loại thuốc khác, việc sử dụng salbutamol phải được chỉ định của bác sỹ vì loại thuốc này gây ra các tác dụng phụ như run rẩy, đau đầu, bồn chồn, lo lắng, khô miệng. Việc dùng quá liều sẽ có tác hại.

Salbutamol thường có dạng bột tinh thể màu trắng, tan trong nước, ít tan trong cồn (ethanol) và chloroform, kém bền dưới ánh sáng. Trong cơ thể, salbutamol được hấp thu tốt nhất ở các mô dạ dày và ruột. Nó sẽ được tích tụ tại gan và bị chuyển hoá thành dạng bất hoạt salbutamol sulfate (muối).

Sau cùng salbutamol sulfate sẽ được thải ra ngoài chủ yếu qua nước tiểu (75%) trong vòng 72 giờ.

Salbutamol tập trung nhiều nhất ở gan và thận, ít hơn ở các cơ và mô mỡ.

Sử dụng trong chăn nuôi và độc tính

Nhưng ngoài việc dùng như một dược liệu, salbutamol còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Lý do vì hoá chất này giúp gia súc tạo ra nhiều nạc hơn mỡ, màu thịt của gia súc sau khi giết mổ cũng tươi tắn hơn, bắt mắt người mua hơn.

Những thớ thịt heo màu đỏ tươi, ít mỡ rất có thể chứa salbutamol
Những thớ thịt heo màu đỏ tươi, ít mỡ rất có thể chứa salbutamol
Tuỳ theo liều lượng sử dụng mà ảnh hưởng lên thịt gia súc (chủ yếu là thịt heo) sẽ có khác biệt. Ở hàm lượng 3 ppm (phần triệu), thịt heo sẽ có nhiều nạc hơn ở lưng và có ít mỡ hơn, nhưng không có khác biệt về mức độ tăng trưởng (cân nặng). Ở mức 8 ppm, heo không chỉ tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc lưng mà khả năng thụ thai cũng cao hơn. Đến mức 15 ppm, heo không chỉ tăng chiều dài mà lớp mỡ lưng cũng giảm hẳn. Song theo vài báo cáo thì chất lượng thịt về độ mềm, màu sắc, pH của các cơ lại giảm xuống trong khi khả năng giữ nước của các protein lại tăng lên.

Nói cách khác, nếu salbutamol được dùng ở liều lượng thấp thì ảnh hưởng xấu sẽ không đáng kể. Ngoài ra thuốc này sẽ được cơ thể sinh vật đào thải ra ngoài theo thời gian chủ yếu qua hệ bài tiết. Bên cạnh đó salbutamol sulfate chỉ tập trung nhiều ở gan và thận, có ít ở nạc và mỡ. Song nếu dùng nhiều thịt heo qua các năm, chúng sẽ có khả năng tích luỹ lại trong cơ thể người ăn.

Tuy vậy, các nông dân thường có xu hướng lạm dụng salbutamol để sản phẩm của họ dễ tiêu thụ hơn và để lại dư lượng lớn gây tác hại cho người dùng. Cụ thể tại xứ Catalonia (Tây Ban Nha) hồi 1992, một vụ ngộ độc hàng loạt với số nạn nhân lên đến 113 người đã xảy ra sau khi họ ăn gan bê. Những người này xuất hiện các triệu chứng đau đầu, mỏi cơ, tim đập nhanh và cảm thấy bối rối.


Các vị trí lấy thịt trên cơ thể heo
Các vị trí lấy thịt trên cơ thể heo
Một vụ khác tại Ý với số nạn nhân thấp hơn, 15 người, cũng liên quan tới việc tiêu thụ thịt có dư lượng salbutamol. Run rẩy, tim đập nhanh, đau đầu, khó thở, tăng đường huyết nhẹ, tụt kali trong máu và tăng số lượng bạch cầu là những triệu chứng được ghi nhận.

Khuyến cáo người dùng

Hiện nay, salbutamol đã bị cấm dùng trong chăn nuôi gia súc do các ảnh hưởng xấu như đã nêu. Nhưng tình trạng dùng lậu hoá chất này vẫn rất phổ biến. Một phần vì đa số người mua sẽ chọn những miếng thịt tươi, có ít mỡ. Các chú heo không được pha thêm salbutamol trong thức ăn thường có lượng mỡ nhiều hơn và sẽ khó tiêu thụ hơn.

Tuy vậy, các phương pháp xét nghiệm lượng dư salbutamol hiện nay như EIA, HPLC và GCMS đều rất tốn kém và mất nhiều thời gian để có kết quả chính xác. Và phần lớn người tiêu dùng đều không biết đến điều này. Tại thời điểm này, chỉ có một cách tránh mua nhầm thịt heo được nuôi bằng salbutamol là... tránh các miếng thịt ít mỡ hoặc màu sắc quá rực.

Phần lớn các hộ chăn nuôi heo vẫn lén dùng salbutamol
Phần lớn các hộ chăn nuôi heo vẫn lén dùng salbutamol
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng gặp tình trạng trên do tâm lý tiêu dùng chung của mọi người. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà khoa học có thể phát triển ra các kit test nhanh chóng để người dùng có thể tránh mua nhầm loại thịt có hoá chất độc hại này.

Huyền Thế
Theo TCI-Thaijo và Wikipedia



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y