Bệnh Lê Dạng Trùng Trên Chó Mèo (Babesiosis) | Vetshop.VN


Bệnh Lê Dạng Trùng Trên Chó Mèo (Babesiosis)

Đăng bởi: | ngày: 14.8.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

I. Nguyên nhân gây bệnh

Hình 1. Ký sinh trùng Babesia trên tiêu bản máu
Hình 1. Ký sinh trùng Babesia
trên tiêu bản máu
Bệnh lê dạng trùng do sinh vật thuộc giống Babesia spp, với đặc trưng của bệnh là thiếu máu tán huyết (là loại thiếu máu do hồng cầu bị phá vỡ, và đời sống hồng cầu bị rút ngắn dưới 120 ngày), sốt và lách to.

Babesia spp. là ký sinh trùng đường máu đơn bào sống nội sinh trong hồng cầu, giống như ngành Apicomplexa (ký sinh trùng sốt rét) thường được truyền qua ve. Hơn 100 loài Babesia đã được xác định, và với sự ra đời của kỹ thuật PCR nhiều loài mới và kiểu gen được xác định mỗi năm. Dựa trên kiểu hình, Babesia spp. được chia thành hai loại lớn và nhỏ. Babesia spp. lớn có chiều dài 3-7 μm, trong khi Babesia spp.nhỏ có chiều dài 1-3 μm.

1. Trên chó

Ca bệnh đầu tiên trên chó được ghi nhận tại Mỹ vào năm 1934. Có ít nhất 09 loài Babesia trên chó đã được xác định (Babesia canis vogali, B. canis canis, B. canis rossi, B. gibsoni, B. conradae, B. microti, B. caballi anulata, 02 loài Babesia lớn chưa có tên ở Bắc Mỹ và Anh Quốc). Các loài của Babesia ở chó thay đổi theo khu vực địa lý, sự di chuyển của động vật bị nhiễm bệnh, di chuyển của tác nhân truyền lây ( ve ) và phân loại lại với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán.

2. Trên mèo

Bệnh Babesia trên mèo chưa được nghiên cứu rộng rãi như bệnh Babesia trên chó. Có 04 loài Babesia trên mèo: B. felis, B. canis sp., B. catiB. canis presentii.

II. Dịch tễ học

1. Vòng đời

Babesia spp. có thể được truyền lây trong tự nhiên thông qua vết cắn của ve hoặc trực tiếp giữa vật chủ có xương sống với nhau. Khi ve cắn vật chủ, thoi trùng được giải phóng ra từ nước bọt của ve và đi vào trong máu của vật chủ. Thoi trùng gắn lên bề mặt và đi vào bên trong hồng cầu. Trong hồng cầu, chúng trải qua giai đoạn sinh sản vô tính, phát triển đoạn trứng, và tế bào con có thể lây nhiễm cho hồng cầu mới. Các hồng cầu bị nhiễm sẽ được ve hút máu và đi vào trong ruột của ve. Trong ruột ve, pha sinh sản hữu tính xảy ra khi các giao tử gắn lại với nhau tạo thành hợp tử, hợp tử xâm nhập vào tế bào biểu mô ruột và sinh sản vô tính xuất hiện, tạo các thoi trùng. Kết quả là noãn rời khỏi tế bào biểu mô và xâm nhập vào tuyến nước bọt của ve khác hoặc buồng trứng của ve.
Hình 2. Vòng đời của B. canis
Hình 2. Vòng đời của B. canis

2. Truyền lây

Ve đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh quan trọng nhất. Tuy nhiên, một vài loài Babesia như B. gibsoni ở Bắc Mỹ và châu Âu thì yếu tố truyền lây không có ý nghĩa quan trọng, mà đó là do truyền lây trực tiếp giữa các con chó khi cắn nhau, hoặc qua đường nhau thai khi sinh.

Hình 3: Ve đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh quan trọng nhất
Hình 3: Ve đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh quan trọng nhất

III. Sinh bệnh học

Tính gây bệnh của Babesia chủ yếu liên quan đến loài và sự phức tạp của giống. Yếu tố tuổi, khả năng đáp ứng miễn dịch của vật chủ đối với ký sinh trùng hoặc ve truyền bệnh cũng đóng vai trò quan trọng.

Hồng cầu bị nhiễm kết hợp với kháng nguyên ký sinh trùng (gắn bề mặt của chúng) tạo ra kháng thể cho vật chủ. Cơ thể có thể tiêu hủy hồng cầu nhiễm ký sinh trùng bằng hệ thống tế bào đơn nhân. Ngoài ra, kháng nguyên có thể bám trên bề mặt của 1 vài hồng cầu và tiểu cầu chưa nhiễm trùng, kháng thể tiêu hủy chúng có hoặc không có bổ thể, điều này giải thích cho thiếu máu tán huyết và giảm tiểu cầu thường không tương quan đến mức độ nhiễm ký sinh trùng huyết.

IV. Triệu chứng

1. Trên chó

Theo tính chất
    Màng mắt hoàng đảng ở chó nhiềm B. gibsoni
  • Triệu chứng chung: Bỏ ăn, hôn mê, yếu, sốt, giảm cân.
  • Triệu chứng không điển hình (chủ yếu B.canis rossi): Cổ trướng, phù, táo bón, tiêu chảy, loét dạ dày, xuất huyết, sung huyết màng nhầy, chảy nước mắt nước mũi, suy hô hấp, viêm cơ nhai, đau khớp hàm, đau lưng, dấu hiệu thần kinh trung ương, co giật, mất điều hòa, suy nhược.
Theo thời gian
  • Bán cấp tính: Thân nhiệt giảm, sốc, hôn mê, đông máu trong mạch máu, acid hóa chuyển hóa, chết.
  • Cấp tính: Thiếu máu tán huyết, hoàng đản, lách to, hạch bạch huyết to, ói mửa.
  • Mãn tính: Sốt liên tục, ăn ít, cơ thể suy nhược, hạch bạch huyết to, lách to, không có triệu chứng điển hình.

2. Trên mèo

Mèo bệnh thường thờ ơ, bỏ ăn, suy nhược, lông thô, tiêu chảy. Sốt và hoàng đản ít phổ biến. Bệnh thường ở thể mãn tính, và các dấu hiệu có thể không được rõ ràng cho đến giai đoạn sau của bệnh.

V. Chẩn đoán

1. Chẩn đoán lâm sàng

Trên chó: Giảm tiểu cầu là một đặc tính chung của bệnh Babesia trên chó, bất kể tình trạng thiếu máu. Thiếu máu nhẹ, kích thước hồng cầu trung bình và haemoglobin chứa trong tế bào hồng cầu với giới hạn bình thường được ghi nhận trong vài ngày đầu sau khi nhiễm trùng, sau đó trở thành hồng cầu to, hồng cầu nhạt màu, và tái tạo khi bệnh tiến triển.

Trên mèo: Bệnh Babesia trên mèo do B. felis gây ra thiếu máu với đặc trưng là bạch cầu lớn, giảm sắc tố hồng cầu và tái sinh.Cũng như trên chó, khi hòa máu với muối để làm phản ứng ngưng kết có thể xác định được Babesia.

2. Chẩn đoán phân biệt

Xác định bằng vi thể: Chỉ 0,001% xác định được ký sinh trùng trong máu. B. canis đặc trưng là lớn, hình quả lê, thường ở dạng đơn hoặc cặp. Trong khi đó, B. gibsoni là nhỏ hơn, thường ở dạng đơn lẻ.
Hình 4. Bệnh tích vi thể phân biệt B. canis (A) và B. gibsoni (B)
Hình 4. Bệnh tích vi thể phân biệt B. canis (A) và B. gibsoni (B)
Kiểm tra máu: Kiểm tra máu để xác định kháng thể đặc hiệu để xác định gián tiếp ký sinh trùng bằng miễn dịch dịch thể, kiểm tra kháng thể huỳnh quang gián tiếp để xác định kháng thể chống lại Babesia.

Kiểm tra bằng kỹ thuật phân tử: Kỹ thuật multi - PCR có thể sử dụng để xác định khả năng đồng nhiễm các bệnh do ve gây ra trong đó có Babesia.

VI. Bệnh tích

Bao gồm: nhuộm màu haemoglobin hoặc bilirubin, gan lách to, hạch lympho to, thận có màu đỏ đậm. Phổi phù thủng và xuất huyết do mạch bị tổn thương và mô thiếu oxy. Trong trường hợp bệnh mãn tính trên chó và bệnh trên mèo bệnh tích đại thể tìm thấy là lách to.
Hình 5. Hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng trong mạch máu ở não Hình 5. Hồng cầu nhiễm ký sinh trùng ở lách
Hình 5. Hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng trong mạch máu ở não (hình trái). Hồng cầu nhiễm ký sinh trùng ở lách (hình phải)

VII. Điều trị

1. Điều trị bằng thuốc bệnh do Babesia trên chó mèo

Điều trị nguyên nhân: Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng và trợ sức chăm sóc cho gia súc bệnh. Có thể dùng một trong các loại thuốc đặc trị lê dạng trùng sau:
  • Heamospridin: Thuốc pha với nước cất hay nước sinh lý 0,9% theo tỷ lệ 2%. Tiêm vào bắp thịt với liều 0,0005g/kg thể trọng, sau 15 ngày có thể tiêm lại lần 2.
  • Berenyl (Azidin): Thuốc có hiệu lực cao diệt các đơn bào ký sinh, thuốc rất an toàn không gây phản ứng phụ, không tạo ra các chủng đơn bào kháng thuốc. Berenyl sử dụng thích hợp cho cả chó non và chó trưởng thành. Thuốc pha với nước cất 5-10%, tiêm vào bắp thịt hay mạch máu, dùng với liều 4-5mg/kg thể trọng.
Nếu cần thiết có thể tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi thứ nhất 15 – 20 ngày.
Điều trị triệu chứng:
  • Giảm sốt: Tiêm bắp Promix (thành phần gồm Promethazine, Dipirone, Dexamethasone) có tác dụng giảm sốt, an thần,liều 1ml/5kg thể trọng/ngày.
  • Chống xuất huyết: Vitamin K 1ml/con, ngày tiêm 2 lần.
  • Vitamin B12: Chống thiếu máu, liều 100g/ngày.
Bảng thuốc điều trị bệnh do Babesia trên chó mèo
Hình 6: Bảng thuốc điều trị bệnh do Babesia trên chó mèo

2. Điều trị bằng truyền máu

Thường sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, quyết định truyền máu dựa trên dấu hiệu lâm sàng, lịch sử, kết quả huyết học. Dấu hiệu lâm sàng bao gồm: tim đập nhanh, thở gấp, mạch có tiếng ọc ọc, yếu ớt, bất tỉnh. Truyền máu khi tỷ số huyết cầu trên thể tích máu (HCT) thấp hơn15% và thường được chỉ định khi HCT thấp hơn 10%.

VIII. Phòng bệnh

  • Thường xuyên kiểm tra da và lông của thú.
  • Thú mới chuẩn bị cho nhập đàn cần kiểm tra, điều trị và cách ly. Những nơi đã có bệnh phải định kỳ kiểm tra máu chó để phát hiện chó bệnh và chó mang trùng, điều trị kịp thời, hạn chế lây lan.
  • Sử dụng vòng đeo cổ phòng ve, bọ chét; thuốc phun xịt diệt ve bọ chét. Thường xuyên tắm chải và diệt ve trên thân thể chó bằng dung dịch Dipterex 1%.
  • Định kỳ tẩy uế vệ sinh chuồng, cũi nhốt chó, nơi ở của mèo và môi trường xung quanh để diệt mầm bệnh (phun Dipterex 1% diệt trứng giun, Chloramin B 0,5% trong 10 phút hay nước vôi 10%).
  • Không thả rông chó, không cho chó bệnh tiếp xúc với bên ngoài để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh. 
  • Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt để chó tăng sức đề kháng chống đỡ sự xâm nhập mầm bệnh.
  • Vaccine được sản xuất từ nuôi cấy tế bào.

IX. Xem xét đến sức khỏe cộng đồng

Không có Babesia nào được chỉ định vật chủ là con người, con người có thể bị nhiễm bệnh khi bị ve nhiễm bệnh tấn công. 

Một vài người bị Babesia do B. divergens ở châu Âu, bệnh này xuất hiện ở người cắt lách và thường dẫn đến cái chết. Bệnh cũng xác định được ở Ý và Úc với chủng mới là B. odocoilei B. divergens.


Theo: Infectious Diseases of The Dog and Cat - 4th Edition
Để biết thêm thông tin truy cập http://www.greeneinfectiousdiseases.com



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y