8 Bước Giúp Mèo Có Một Hệ Miễn Dịch Khỏe Mạnh | Vetshop.VN


8 Bước Giúp Mèo Có Một Hệ Miễn Dịch Khỏe Mạnh

Đăng bởi: | ngày: 11.12.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Mèo có hệ miễn dịch khỏe sẽ chống chọi tốt  với các bệnh thông thường
Mèo có hệ miễn dịch khỏe sẽ chống chọi tốt
 với các bệnh thông thường.
Rất nhiều loại bệnh ở mèo bắt nguồn từ một tình trạng viêm mãn tính ở một bộ phận nào đó. Điều này đặc biệt đúng đối với các bệnh thoái hóa như viêm khớp, bệnh thận và thậm chí là ung thư. Những bệnh này không chỉ trực tiếp giết chết các tế bào mà còn tạo ra một số gốc tế bào phụ dễ gây viêm nhiễm hay cặn lắng trong các mạch ngoại biên bao quanh những tế bào đó. Độc hại tích tụ lâu ngày trong cơ thể thú cưng sẽ làm giảm khả năng lưu thông oxy, chuyển hóa dinh dưỡng hay chất thải giữa các tế bào và máu với nhau, đồng thời còn tạo ra một môi trường lý tưởng khiến nhiều loại ký sinh trùng, các sinh vật gây bệnh và tế bào đột biến sinh sôi, phát triển mạnh.

Vậy chúng ta làm cách nào để giữ cho hệ miễn dịch của thú cưng được khỏe mạnh giúp ngăn ngừa những dấu hiệu và bệnh tật do lão hóa? Bài viết này sẽ đề cập một số cách thức cơ bản để giúp bạn trong vấn đề này:

1. Lập một chế độ ăn uống tối ưu bao gồm những thực phẩm tươi và an toàn

Hầu hết các nhãn hàng thực phẩm cho thú cưng (đặc biệt là đồ ăn khô) đều được chế biến từ những phần bỏ đi hoặc không ai dùng tới của động vật sau khi giết mổ hoặc gia công và được tẩm ướp rất nhiều các gia vị hoặc chất bảo quản. Bất kỳ kế hoạch phòng bệnh hoặc điều trị nào đều cần bắt đầu với chế độ ăn uống. Tất cả những phương án điều trị trên thế giới đều không thể có tác dụng với những thú cưng chỉ sử dụng những “đồ ăn có mức dinh dưỡng thấp” (giống như nhiều loại thức ăn đang được bày bán hiện nay). Nền tảng để có được sức khỏe tốt chính là một chế độ ăn uống cân bằng, đồ ăn được nấu tại nhà từ những loại thực phẩm hữu cơ tươi sống, an toàn. Khi cơ thể được hỗ trợ đủ những bộ phận cần thiết để duy trì các tế bào khỏe mạnh và phục hồi những tế bào tổn thương, thì cơ chế tự chữa lành sẽ tự khởi động từ bên trong.

Với các chú mèo, một chế độ ăn lý tưởng bao gồm có 80% thịt và 20% rau củ không chứa tinh bột và nếu bạn có thể tự làm cho chúng ở nhà là tốt nhất. Bạn có thể bổ sung những thành phần giàu EPA và DHA (những loại axit béo không no chuỗi dài có trong những loại rau xanh hoặc dầu gan cá) để giúp ngăn ngừa tình trạng teo cơ do lão hóa; bổ sung thêm Omega-3 là một chất có đặc tính kháng viêm và khả năng chống oxy hóa mạnh.

Khi bạn không có điều kiện để tự chế biến thức ăn cho thú cưng, hãy thử cho chúng ăn thực phẩm tươi sống (đã để đông lạnh), ăn thực phẩm khô đông lạnh hoặc đồ ăn đã sấy khô, hoặc một loại đồ ăn đóng hộp chất lượng tốt và có hàm lượng hydrat-cacbon thấp. Nếu bạn lo lắng về việc cho thú cưng ăn thức tươi sống, có thể sơ chế qua những phần thịt (tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn thực sự nên chuyển hẳn sang thức ăn thô). Nếu bạn cho thú cưng ăn đồ ăn đã được chế biến sẵn, hãy xem xét đến việc cho thêm một chút thịt băm tươi mới vào khẩu phần ăn của chúng.

Một vấn đề về chế độ ăn uống quan trọng nữa cần nhắc đến là kiểm soát trọng lượng của thú cưng. Những thú cưng bị thừa cân sẽ càng tăng nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh, ví dụ như viêm khớp, tiểu đường, tim mạch và ung thư. Các chú mèo không cần nhiều đồ ăn bằng tình yêu, bởi lẽ mèo cưng của bạn sẽ cảm thấy thích những thời gian thú vị bên người chủ của mình hơn là một bữa ăn tối no nê hay việc có thêm chút đồ ăn vặt. Chất béo thừa trong cơ thể sẽ không ở yên mà sẽ liên tục sản sinh ra những dấu hiệu khó chịu, viêm nhiễm. Chính vì vậy, giữ cho chú mèo yêu quý của bạn luôn ở mức cân nặng hợp lý là một yếu tố thiết yếu để có được một lối sống khỏe mạnh.

2. Cho các chú mèo uống nước sạch, tinh khiết

Uống thật nhiều nước sạch là một yếu tố thiết yếu để cơ thể có khả năng chống chọi với bệnh tật và cũng giúp làm sạch các tế bào chết, những dấu hiệu viêm nhiễm hay các chất thải trong người. Tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống, chất lượng của nước máy hoặc nước giếng cũng thay đổi, có nơi trong lành nhưng cũng có chỗ nước bị nhiễm độc cao. Nước đã qua máy lọc thì không phù hợp để dùng lâu dài bởi nó sẽ khiến cơ thể bị thiếu một số khoáng chất. Tuy nhiên, nếu thú cưng của bạn đang trong một quá trình giải độc ngắn hạn nào đó thì có thể sử dụng nước đã được lọc và cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ thú y. Vốn dĩ các chú mèo không uống nhiều nước, nên bạn hãy bổ sung nước vào khẩu phần ăn của chúng. Thực phẩm ướt như đồ ăn tự chế biến, đồ ăn khô đông lạnh đã được nấu lại hay đồ ăn tươi sống là những nguồn quan trọng để cung cấp thêm độ ẩm. Nhiều chú mèo chỉ ăn thực phẩm ướt sẽ không thường xuyên uống nước, bởi chúng đã hấp thu gần như là đủ nước từ khẩu phần ăn của mình.

3. Kiểm soát việc tiêm phòng

Chất kháng thể sản sinh do vắc-xin có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm và bất kỳ mũi tiêm tăng cường nào cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được nó. Rất nhiều bác sĩ thú y cũng cho rằng tiêm quá nhiều vắc-xin chính là một nguyên nhân cơ bản góp phần làm gia tăng tỉ lệ thú cưng mắc các căn bệnh mãn tính. Điều này không có nghĩa là bạn không nên tiêm bất cứ mũi vắc-xin nào cho thú cưng của mình, bởi tiêm phòng cho mèo con và cún con để ngăn ngừa những bệnh đe dọa đến tính mạng của chúng vẫn là một việc quan trọng. Thậm chí, tiêm phòng dại cho thú cưng còn là yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, có rất nhiều thú cưng đã được tiêm những mũi vắc-xin mà chúng không thực sự cần thiết. Hầu hết các loại vắc-xin tăng cường (trừ mũi tiêm phòng dại theo luật định) đều không phải là quá quan trọng với các thú cưng ở tuổi trưởng thành. Nếu bác sĩ thú y hiện tại của bạn khuyên rằng hãy tiêm cho thú cưng nhiều mũi vắc-xin và đều đặn hàng năm, hãy xem xét đến việc tìm một vị bác sĩ khác, người có thể hiểu rõ hơn về hiểm họa của vấn đề này.

4. Hạn chế bầu không khí ô nhiễm trong nhà, các hóa chất từ xưởng sản xuất và các nguồn khác tiếp xúc với chất độc hại

Điều này sẽ làm giảm đi những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch và cho phép cơ thể có thể tự làm sạch và lành bệnh. Vì lợi ích của những người bạn bé nhỏ, bạn nên kiểm tra kỹ càng ngôi nhà cũng như khu vực quanh sân của mình. Khu vực cất các sản phẩm tẩy rửa là chỗ đầu tiên bạn cần để mắt đến, nếu chất tẩy sàn nhà hoặc nước giặt thảm bạn sử dụng có chứa những hóa chất độc hại (thực tế, hầu hết các sản phẩm này đều có chứa thành phần gây hại) thì việc mèo thường xuyên hít ngửi, dí mũi của chúng sát xuống đất và dính những hóa chất đó, dẫn đến việc cả cơ thể thú cưng luôn phải tự độc. Hãy chọn sử dụng những sản phẩm tẩy rửa tự chế, có nguồn gốc tự nhiên và an toàn, như vậy bạn có thể hạn chế việc thú cưng của mình tiếp xúc và tích trữ chất độc hại trong cơ thể.

5. Giảm thiểu bức xạ điện từ

Bạn cần hạn chế việc thú cưng tiếp xúc với những bức xạ điện từ trong và ngoài nhà của bạn bởi lẽ đó là một trong các nguyên nhân gây ra các bệnh viêm cấp thấp và mãn tính. Hãy đặt ổ của thú cưng xa các thiết bị nhất có thể. Ban đêm, cần chắc chắn rằng bạn đã tắt tất cả các thiết bị điện. Điều này rất quan trọng bởi chúng không chỉ gây ra về vấn đề bức xạ mà những vật dụng chưa được tắt điện còn có thể thoát ra ánh sáng. Thậm chí chỉ một tia sáng nhỏ từ chiếc điều khiển từ xa cũng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của thú cưng và phá vỡ chu kỳ phục hồi tự nhiên của cơ thể.

6. Lựa chọn phương án kiểm soát bọ chét an toàn, không độc hại

Hầu hết các sản phẩm trừ bọ chét, ve đều chứa những thành phần độc hại vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể và phá vỡ quá trình làm sạch tự nhiên của thú cưng. Kiểm soát ve và bọ chét là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, nhưng những sản phẩm chữa trị hiệu quả hầu như đều rất nặng. Các chất độc hại này sẽ thẩm thấu qua da, sau đó hấp thu vào bên trong cơ thể thú cưng; trong khi một phần sẽ được đào thải qua phân và nước tiểu, một số thành phần sẽ không thể được loại bỏ hoàn toàn và sẽ tích tụ thành những cặn lắng trong các mạch ngoại biên. 

Sử dụng thuốc viên uống qua đường miệng cũng không mang lại lợi ích tốt hơn. Những báo cáo gần đây của Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ đã chỉ rõ rằng mọi sản phẩm diệt trừ bọ chét có thể khiến thú cưng trở nên ốm yếu và thậm chí là tử vong. Tổ chức này cũng khuyến khích các công ty sản xuất thuốc trừ ve, bọ chét ghi nhãn hiệu một cách trung thực hơn, nhưng họ cũng không thể đòi hỏi những sản phẩm an toàn hơn. Hiện có rất nhiều loại sản phẩm diệt trừ ve hoặc bọ chét được chiết xuất từ tự nhiên mà vẫn hiệu quả, có thể xem như những lựa chọn thay thế cho những loại thuốc hóa học. Bạn có thể sẽ phải bỏ ra nhiều công sức hơn khi dùng loại thuốc này, chứ không chỉ đơn giản là nhỏ vài giọt lên da của thú cưng, nhưng việc đó hoàn toàn đáng giá để có được sức khỏe ổn định lâu dài cho người bạn nhỏ của bạn.

7. Giảm thiểu căng thẳng

Đã có nhiều minh chứng rõ ràng rằng căng thẳng gây ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thú cưng của chúng ta thực sự có thể rơi vào trạng thái căng thăng, thường là ở mức độ tương đương hoặc thậm chí có thể nhiều hơn so với căng thẳng ở người. Ví dụ như những chú chó mắc Hội chứng sợ phân ly thường sống trong nỗi lo lắng tột độ mỗi ngày khi người chủ của chúng đi học hoặc đi làm. Những chú mèo sống trong các gia đình có nuôi nhiều mèo cũng thường xuyên bị căng thẳng do phải tranh giành nhau khu vực, lãnh thổ cho mình.

Tất nhiên, các chú mèo cũng có nhận thức sâu sắc về mức độ căng thẳng của con người – người bạn thân thiết của chúng. Bạn và các thành viên khác trong gia đình càng trong tình trạng lo lắng, bất an nhiều thì các chú mèo càng cảm nhận được, sau đó cũng bị ảnh hưởng và rơi vào trình trạng căng thẳng, dù là thể hiện ra các hành vi bên ngoài hay chỉ có tác động bên trong như ốm yếu, ủ bệnh. Do đó, hãy cố gắng làm chủ cảm xúc bức bối, căng thẳng của cá nhân bởi đó là một việc quan trọng chúng ta có thể làm để cải thiện sức khỏe cho thú cưng yêu quý của mình.

Bạn có thể làm giảm bớt tình trạng căng thẳng của thú cưng bằng những cách khác, ví dụ như ứng dụng một số liệu pháp tăng năng lượng, mát xa hoặc sử dụng tinh chất của các loài hoa.

“Làm phong phú không gian sống trong nhà” được coi là biện pháp hữu ích với cả chó và mèo nhằm giúp chúng dịu đi những cảm xúc căng thẳng. Bạn có thể dùng những cách như chuẩn bị các món đồ chơi có liên quan đến đồ ăn hoặc làm phong phú đời sống tinh thần của chúng (ví dụ như một chiếc giá gần khung cửa sổ để có thể ngồi ngắm các chú chim bay lượn nhảy nhót bên ngoài, những băng video dành cho thú cưng, khu vực riêng để mèo leo trèo và cào móng) hay các đồ vật mới mẻ, lạ thường (như hộp các-tông hoặc chiếc túi giấy). Nhưng nên nhớ rằng khoảng thời gian chơi những trò thú vị với người chủ và thành viên trong gia đình mới thực sự là thứ quan trọng nhất giúp cuộc sống của thú cưng trở nên rộn ràng và vui vẻ.

8. Xây dựng một chế độ luyện tập phù hợp

Các hoạt động thể chất thường xuyên chính là một công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu căng thẳng và đẩy mạnh hệ miễn dịch tự nhiên. Dù với con người hay thú cưng, tập thể dục là vô cùng thiếu yếu để đảm bảo luôn khỏe mạnh cả đầu óc lẫn tinh thần. Trong tự nhiên, loài mèo thường đi lang thang, rong ruổi nhiều nơi để tranh giữ lãnh thổ và tìm kiếm thức ăn. Bởi vậy, chúng ta có thể “bắt chước” theo lối sống tự nhiên của chúng càng nhiều càng tốt. Các hoạt động thể chất được coi là yếu tố rất quan trọng với thú cưng để giúp chúng kiểm soát cân nặng, tiêu hóa tốt, giải trừ các chất độc tích tụ trong cơ thể, có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, các cơ hoạt động nhịp nhàng, hít thở đều và duy trì được tâm trạng và cảm xúc ổn định.

Chơi đùa cũng là một ý kiến rất hay, bởi vừa cung cấp những hoạt động, vừa mang lại niềm vui và tiếng cười cho cả bạn lẫn thú cưng. Chẳng có gì vui nhộn hơn việc một chú mèo đuổi theo tia sáng laze hay nhảy để với những chiếc lông vũ trên một chiếc cột hoặc nghịch ngợm với cuộn len. Mèo cần phải vận động và những khoảng thời gian chơi đùa thường xuyên là gợi ý lý tưởng nhất để thực hiện. Hoặc, bạn có thể thử dắt một bé mèo con đi dạo và để tăng khả năng chúng chấp nhận tham gia, hãy từng chút một giới thiệu các hoạt động này với mèo cưng.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y