Những Yếu Tố Gây Bệnh Trên Heo | Vetshop.VN


Những Yếu Tố Gây Bệnh Trên Heo

Đăng bởi: | ngày: 12.11.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này

I. Định nghĩa về bệnh và trạng thái khỏe mạnh

Những yếu tố gây bệnh trên heo
Những yếu tố gây bệnh trên heo.
Thuật ngữ khỏe mạnh ở đây được phân tích khác với từ được sử dụng cho con người. Điều kiện cần thiết là trạng thái không có bệnh, tuy nhiên đối với heo thì khỏe mạnh còn có ý nghĩa khác. Đó là trạng thái sinh lý, thể chất thoải mái, giúp phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn di truyền mà heo có thể đạt được như năng lực sinh sản, năng suất, sản xuất thịt ít mỡ.

Thuật ngữ bệnh là chỉ trạng thái không được khỏe của thể chất và thần kinh dẫn đến các cơn đau hoặc trạng thái không thoải mái, gây trở ngại đến quá trình phát huy năng lực tiềm ẩn có tính chất di truyền có sẵn của heo, do đó sẽ làm cho năng suất giảm. Độ nặng nhẹ của các triệu chứng lâm sàng của bệnh được thể hiện qua tỷ lệ mắc bệnh (morbidity).

Bệnh có 2 dạng: lâm sàng (triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài) và cận lâm sàng (heo mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài, không thể nhận biết được khi quan sát bên ngoài). Bệnh ở thể cận lâm sàng cũng gây ảnh hưởng xấu đến năng suất.

Các bạn phải phân biệt được bệnh dạng lâm sàng và cận lâm sàng. Tất cả mọi đàn heo khỏe mạnh đều có thể đang mang mầm bệnh gây ra nhiều bệnh khác nhau và không có ngoại lệ. Chủ yếu chúng tồn tại trong ruột, mũi, cổ, da và bộ phận sinh dục, tuy nhiên lại không gây ra bệnh ở dạng lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn trong cơ thể và hệ miễn dịch của heo đối với những vi khuẩn đó đạt được mức cân bằng. Nếu bị một xáo trộn nào đó, do thể chất hoặc tinh thần, heo rất có thể bị nhiễm bệnh.

Môi trường chăn nuôi lý tưởng sẽ không có sự tồn tại của bệnh có mầm bệnh nguy hiểm (ví dụ: bệnh teo viêm mũi, bệnh TGE…) và kỹ thuật chăn nuôi tốt sẽ không gây ra những xáo trộn có thể tạo điều kiện cho bệnh xuất hiện. Môi trường chăn nuôi tốt có nghĩa là heo có được sự thoải mái, dinh dưỡng ưu tú và kỹ thuật chăm sóc quản lý xuất sắc.

Kỹ thuật chăn nuôi xuất sắc có nghĩa là chú ý, quan tâm đến sức khỏe và sự ổn định của heo. Trong đàn heo, sự cân bằng giữa khả năng gây bệnh của mầm bệnh và hệ miễn dịch của heo thường rất không an toàn. Nếu vì một sơ suất quản lý nào đó mà phát bệnh trên một nhóm nhỏ heo, mật độ của vi khuẩn gây bệnh có thể tăng mạnh và uy hiếp những cá thể heo khỏe mạnh hơn. Khi đó, tình trạng miễn dịch tập thể (tức tình trạng miễn dịch của đàn) sẽ bị ảnh hưởng.

II. Nguyên nhân của bệnh

Khi kiểm tra nguyên nhân của bệnh chúng ta rất dễ suy nghĩ đến vi sinh vật mang mầm bệnh trước tiên. Tuy nhiên, so với chó hay mèo và những động vật nuôi cá biệt, những đàn heo được nuôi tập thể, đặc biệt là những nhóm heo lớn, bệnh truyền nhiễm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đàn. Tuy vậy, cũng có những nguyên nhân không truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích và năng suất, cũng như gây tổn hại đến đàn heo.

Ở đây, chúng ta sẽ chia các tác nhân gây bệnh được thảo luận thành 9 hạng mục:
Tác nhân có tính truyền nhiễm:
  • Virus
  • Vi khuẩn 
  • Chlamydia
  • Anaplasma
  • Mycoplasma
  • Nấm
  • Ký sinh trùng
  • Tác nhân không có tính truyền nhiễm:
  • Vết thương bên ngoài
  • Khiếm khuyết di truyền, khiếm khuyết bẩm sinh
  • Thiếu dinh dưỡng, dư dinh dưỡng
  • Yếu tố có độc tính (chất độc)
  • Stress
Đa số những bệnh phát sinh trong đàn heo là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Có một vài tác nhân khác như khối u... tuy nhiên, đối với heo thì tác nhân đó không quan trọng lắm nên ở đây không đề cập đến.

Khi đàn heo có bệnh, thỉnh thoảng có thể suy nghĩ nguyên nhân là do một tác nhân duy nhất. Trong một vài trường hợp có thể như vậy, (ví dụ như trúng độc hoặc FMD là do nhiễm vi-rút có tính gây bệnh cao ....). Tuy nhiên, đa số trường hợp thì suy nghĩ đó là không phù hợp. Nhìn chung các bệnh trên đàn heo phát sinh là do kết quả tác dụng tương hỗ của các tác nhân bên ngoài và các tác nhân bên trong. Khi muốn khống chế bệnh thì phải hiểu rõ những điểm này.

III. Tác nhân có tính truyền nhiễm

1. Virus

Nếu lập bảng theo thứ tự kích thước và mức độ phức tạp của các tác nhân gây bệnh thì vi-rút thuộc vào tác nhân truyền nhiễm bệnh có kích thước nhỏ nhất. Không thể quan sát vi-rút bằng kính hiển vi quang học (có thể quan sát vi khuẩn) mà phải sử dụng kính hiển vi điện tử mới có thể quan sát được.

Nếu quan sát loại vi-rút đơn giản nhất thì sẽ thấy chúng được cấu tạo từ nhân (chứa gene) và lớp protein có cấu tạo hình học xung quanh nhân có nhiệm vụ bảo vệ nhân. Loại lớn hơn còn có lớp vỏ bên ngoài, gồm lipid và carbohydrate và cả protein.

Vi-rút chỉ có thể sinh sản trong tế bào vật chủ, chúng không thể sinh sản ở môi trường bên ngoài. Trong nhân của vi-rút có mang thông tin di truyền, tuy nhiên lại không có đầy đủ các cơ quan giúp chúng sinh trưởng. Vi-rút sẽ dựa vào vật chủ để sinh sản.

Đây là một sự thật quan trọng. Ở bên ngoài cơ thể vật chủ, vi-rút sẽ bị mất hoạt tính, các hoạt tính trao đổi chất cũng bị mất đi. Trong cơ thể vật chủ vi-rút hoạt động giống như hải tặc vậy. Vật chất di truyền của vi-rút sử dụng nhân tế bào vật chủ, cướp đi một phần hoặc toàn bộ sự trao đổi chất của tế bào vật chủ. Để tạo ra nhiều hơn vi-rút giống hệt như vi-rút xâm nhập vào, vi-rút phải sử dụng cơ chế này. Để đạt được điều đó thì tế bào vật chủ phải bị tổn thương hoặc bị phá hủy.

1.1. Vi-rút xâm nhập vào tế bào vật chủ bằng cách nào?

Protein có trên bề mặt của vi-rút sẽ giúp vi-rút bám vào bề mặt của tế bào. Khi đó, tế bào vật chủ sẽ bao vây xung quanh chúng giống như để ăn hạt thức ăn, tuy nhiên hạt được bao vây lại chính là kẻ xâm lược hủy diệt. Ngay sau đó, vi-rút sẽ nhanh chóng giải phóng lớp lipid đang bao bọc xung quanh nhân chứa vật chất di truyền và lớp vỏ ngoài, nhân của vi-rút sẽ sử dụng tế bào vật chủ để tạo ra số lượng vi-rút nhiều hơn. Vi-rút RNA sinh sản ở tế bào chất, vi-rút DNA sinh sản ở nhân.

1.2. Phân loại vi-rút

Vật chất di truyền của vi-rút có cấu tạo bằng DNA (deoxyribonucleic acid) hoặc RNA (ribonucleic acid) nằm ở tế bào chất.

Vì vậy, vi-rút được phân loại thành hai nhóm chính là DNA vi-rút và RNA vi-rút, không căn cứ vào hình dạng, độ lớn và cấu trúc mà phân loại dựa theo hệ (families).

Ngoài những loại vi-rút có độ hủy diệt mạnh và có thể sống sót trong vài ngày, cũng có những loại có thể sống đến vài tháng. Thời gian tồn tại của vi-rút được thể hiện ở đây chỉ là đại khái. Lý do là vì thời gian tồn tại của vi-rút còn phụ thuộc vào vật chất chứa vi-rút (phân, nước dãi, máu, nước, bụi…), nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, và độ a-xít tương đối. Nhìn chung, trong điều kiện đông lạnh vi-rút có thể sống trong thời gian dài; ở điều kiện ẩm thấp, tối hoặc thời tiết mát mẻ vi-rút có thể sống lâu hơn nếu so với điều kiện thời tiết khô. Vì lý do đó mà so với mùa hè, vào mùa đông bệnh do vi-rút phát triển rất nhiều. Đây là thông tin rất quan trọng khi muốn kiểm soát vi-rút. Đa số các loại vi-rút bị tiêu diệt bằng dung dịch a-xít mạnh hoặc kiềm mạnh, những loại vi-rút được bao bọc bởi lipid sẽ bị mất hoạt tính trong chất hữu cơ hòa tan. Một số loại vi-rút có thể sinh sống thời gian dài trong cơ thể heo và tồn tại dưới thể cận lâm sàng (trạng thái nuôi mầm bệnh), như trường hợp của vi-rút gây bệnh Aujeszky . Các loại vi-rút như vi-rút PRRS có thể lây lan rộng dưới thể cận lâm sàng trong thời gian khoảng 2-3 tháng, trong khi đó vi-rút TGE thì lại biến mất sau khoảng 1-2 tuần.

Vi-rút có thể lây lan rộng thông qua nước dãi, phân, nước tiểu, hoặc hơi thở, bong bóng nước ở da.

Sự lây lan của vi-rút có thể xảy ra trực tiếp giữa heo với heo, và cũng có thể xảy ra gián tiếp thông qua các máy móc, xe tải trong nông trại, người, thú nuôi khác, hoặc qua gió, các loại chim, ruồi, hoặc những phần thịt theo bị bỏ đi.

1.3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh:

Vi-rút dịch lan rộng toàn cơ thể và gây tổn hại đến một vài bộ phận cơ thể, tuy nhiên triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Một vài chủng vi-rút như TGE gây tiêu chảy, chỉ tăng trưởng trong ruột, tuy nhiên vi-rút porcine influenza gây bệnh cúm ở heo thì lại được tìm thấy chỉ ở phổi và cơ quan hô hấp.

1.4. Chẩn đoán truyền nhiễm vi-rút:

So với việc nuôi cấy vi khuẩn thì nuôi cấy vi-rút trong phòng thí nghiệm khó hơn và cũng tốn nhiều chi phí hơn. Nuôi cấy vi-rút được thực hiện bằng cách cấy vi-rút vào tế bào nuôi còn sống trong ống hoặc trong bình hoặc có thể nuôi trong trứng gà có phôi. Có một vài loại vi-rút không thể nuôi cấy theo 2 phương pháp này được. Các bệnh do vi-rút được chẩn đoán và kiểm tra dựa trên triệu chứng lâm sàng và kiểm tra huyết thanh học. Trong truờng hợp kiểm tra huyết thanh, sẽ sử dụng 2 mẫu máu của mỗi cá thể được lấy trong khoảng cách 1 đến 2 tuần để kiểm tra nồng độ kháng thể có tăng hay không. Nếu chỉ kiểm tra huyết thanh học với một mẫu đơn nhất, chúng ta không thể biết được kháng thể xác định là do bị nhiễm gần đây hay là bị nhiễm bệnh từ trước và kéo dài đến bây giờ, do đó độ tin cậy bị giảm đi.

Trong vòng vài năm gần đây, nhờ vào các kỹ thuật mới mà việc chẩn đoán phòng thí nghiệm đã được đơn giản hoá đi, không cần phải nuôi cấy vi-rút nữa. Có thể chẩn đoán bằng cách kiểm tra trực tiếp mẫu phân hoặc bộ phận bị bệnh qua kính hiển vi hoặc sử dụng phản ứng kháng thể huỳnh quang. Hiện tại, để chẩn đoán một cách chính xác và nhanh chóng nhiều loại bệnh, người ta đang sử dụng rộng rãi phương pháp ELISA. Phương pháp mới như PCR được phát triển nhằm xác nhận vật chất di truyền (tức DNA và RNA) của vi-rút có trong mẫu vật, có thể áp dụng được cho bệnh PRRS. Ưu điểm của các phương pháp này đó là có thể tìm ra một cách chính xác hàm lượng nhỏ của DNA hay RNA, tuy nhiên, chi phí sẽ mắc hơn.

1.5. Điều trị bệnh do virus :

Có một vài loại thuốc được sử dụng điều trị bệnh do vi-rút ở nguời, tuy nhiên đối với heo thì việc điều trị như vậy là quá đắt, không hợp lý. Kháng sinh không có bất kỳ hiệu lực nào đối với vi-rút, mà chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn phụ nhiễm kế phát.

Vì vi-rút không có thành tế bào nên không có loại kháng sinh nào có thể phá huỷ được mà chỉ có thể hỗ trợ bằng cách ngăn ngừa phụ nhiễm bệnh thứ 2 do vi khuẩn. Nếu tiêm huyết thanh miễn dịch nồng độ kháng thể cao có thể giúp đề phòng một số bệnh do vi-rút, tuy nhiên trên phương diện kinh tế thì không phù hợp.

2. Vi khuẩn

Phần này chia sẻ về các vi khuẩn Chlamydia, Mycoplasma và các loại vi khuẩn khác.

2.1. Chlamydia

Anaplasma và chlamydia là những vi khuẩn có kích thước rất nhỏ, nhưng lại sống ký sinh
Hình ảnh anaplasma ký sinh trong tế bào máu bò
Hình ảnh anaplasma ký sinh trong tế bào máu bò.
bên trong hoặc thành ngoài tế bào vật chủ, giống với vi-rút. Đối với heo, đây là những vi khuẩn gây bệnh không quan trọng, tuy nhiên trong một số truờng hợp, bệnh đường hô hấp, bệnh viêm tim nang và Eperythrozoon suis có thể có liên quan đến tình trạng không mang thai và thiếu máu. Bacteria ký sinh ít khi gây ra vấn đề, tuy nhiên trong các trường hợp vàng da và chậm phát triển thì chúng có thể có liên quan. Chlamydia có thể gây sẩy thai và đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra một vài bệnh mới. Ở heo, Chlamydia đa số lây lan thông qua bệnh đường hô hấp, Eperythrozoon suis được lây lan do vết côn trùng cắn hoặc vết tiêm. Tình trạng nhiễm Eperythrozoon suis có thể quan sát được bằng kính hiển vi với vết phết tế bào máu, gần đây được chẩn đoán bằng PRC.

2.2. Mycoplasma

Mycoplasma là một loại vi khuẩn rất nhỏ, độ lớn của nó không bằng một nửa của vi khuẩn nhỏ khác. Có thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi ở độ phóng đại lớn. Chúng có khuynh hướng nhân giống và sinh sống ở những nơi gần bề mặt ngoài tế bào. Chúng được lan truyền qua hô hấp, đồng thời là nguyên nhân của bệnh viêm phổi truyền nhiễm (enzootic pneumonia, Mycoplasma hyopneumoniae), đồng thời viêm khớp do Mycoplasma hyosynoviae gây ra.

Mycoplasma có thể được nuôi cấy trên môi trường nhân tạo. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, và chỉ có thể sử dụng có giới hạn cho một vài chẩn đoán mang tính chất phòng thí nghiệm. Việc kiểm tra nhiễm bằng phương pháp thông thường khá khó khăn. Sử dụng phương pháp PCR để xét nghiệm.

Mycoplasma được tìm thấy trong hệ hô hấp của heo, tuy nhiên nếu ra ngoài cơ thể heo thì chỉ có thể sống đuợc 2 đến 3 tiếng. Đàn heo mới có thể không bị nhiễm vi khuẩn này. Bệnh này có thể lây nhiễm vào đàn thông qua heo ủ bệnh, hoặc do gió lùa từ đàn heo gần đó, nếu không phải 2 lý do trên thì có thể do xe chuyển heo.

Mycoplasma hyorhinis và Mycoplasma flocculare không được xem là vi khuẩn nguy hiểm lắm. Mycoplasma hyorhinis gây ảnh hưởng đến màng nhẵn phủ lên khớp gây bệnh viêm khớp và viêm tâm nang, làm heo bị khập khiễng. Mycoplasma flocculare gây các vết thương nhỏ có thể bị ngộ nhận là viêm phổi truyền nhiễm. Đôi khi có liên quan đến viêm phổi phức hợp.

2.3. Các vi khuẩn khác

Có thể quan sát dễ dàng dưới kính hiển vi khi được nhuộm màu. Chúng được chia nhánh và phân biệt dựa theo hình dạng, độ lớn, tính chất sinh hoá học, đặc trưng kháng nguyên và DNA của chúng. Đa số vi khuẩn gây bệnh đuợc nuôi cấy dễ dàng trên môi trường thạch dinh dưỡng hoặc trong dung dịch chất dinh dưỡng. Đa số các vi khuẩn phát triển mạnh trong khoảng 24~48 tiếng, tuy nhiên đối với vi khuẩn lao và một vài vi khuẩn khác thì cần có thời gian 3 ngày hoặc 3 ngày trở lên. Trong quá trình nuôi cấy, hàng triệu vi khuẩn tập trung lại với nhau thành các cụm nhỏ (colony), hình dạng và màu sắc đó đuợc thể hiện một cách đặc trưng tuỳ theo nhóm hoặc loài vi khuẩn. Nhuộm màu Gram là phuơng pháp phổ biến sử dụng để nhuộm và quan sát vi khuẩn. Sau khi nhuộm, vi khuẩn sẽ nhuộm màu tím (vi khuẩn Gram+ ) hoặc nhuộm màu đỏ (vi khuẩn Gram- ). Phuơng pháp nhuộm màu này là một khâu rất quan trọng khi quan sát vi khuẩn thời kỳ đầu. Ví dụ vi khuẩn Streptococcus type 2 gây bệnh viêm màng não heo là vi khuẩn Gram dương, có dạng tròn rất nhỏ, chúng cặp đôi lại với nhau hoặc liên kết thành chuỗi.

Mỗi loại vi khuẩn đều có mang một vài đặc tính riêng của vi khuẩn đó. Ví dụ vi khuẩn gây bệnh than, chúng có thể hình thành bào tử ở bên ngoài cơ thể heo và những bào tử này có thể tồn tại bên ngoài môi trường hàng năm. Còn những vi khuẩn khác như vi khuẩn Salmonella có thể sống bên ngoài cơ thể heo dài lắm là 6 tháng, và vi khuẩn Mycoplasma gây bệnh viêm phổi truyền nhiễm thì không sống được nhiều hơn 2~3 tháng. Cũng giống như virus, khả năng sinh tồn của các loài vi khuẩn khác nhau phụ thuộc vào vật chất nơi nó đang sống (phân, đất, nuớc tiểu, máu…), nhiệt độ, độ ẩm, và nơi đó có tiếp xúcvới tia tử ngoại hay không. Giống với virus, vi khuẩn cũng có thể tồn tại lâu dài nếu bị đông lạnh và có thể sống rất lâu trong thời tiết ẩm thấp, tuy nhiên ở nhiệt độ cao, thời tiết sáng sủa thì chúng chỉ sống đuợc một thời gian ngắn. Đặc điểm này có thể đuợc sử dụng trong việc phòng ngừa bệnh lây lan rộng hơn.

Vi khuẩn có thể tấn công vào những cơ quan cá biệt hoặc những bộ phận đặc trưng. Vi khuẩn có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với nuớc bọt, chất thải hô hấp, phân hoặc xẻng dọn phân, giày ủng, xe chở hoặc máy móc thiết bị. Khoảng cách lây lan trong không khí có thể dưới 230m, tuy nhiên trong thực tế thì khoảng cách tối thiểu có thể tăng lên 900m. Đông lạnh có thể kéo dài sự sinh tồn của tác nhân gây bệnh và ánh sáng mặt trời có thể giết chết tác nhân gây bệnh.

3. Nấm và độc tố nấm 

Nấm đuợc phát hiện trong trường hợp môi trường ẩm ướt, khi ngũ cốc không được bảo quản tốt. Trong quá trình sinh sản, một số loại nấm sản sinh ra độc tố có thể gây ra nhiều dạng triệu chứng lâm sàng.

Sau đây là những điều quan trọng cần phải biết đối với trang trại muốn ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của nấm.
  • Không lưu giữ các loại ngũ cốc, bắp bị ẩm
  • Không để cho ngũ cốc bị mọc mốc
  • Kiểm tra máy trộn cám mỗi ngày
  • Kiểm tra định kỳ kho chứa ngũ cốc
  • Mỗi tháng kiểm tra kho chứa cám có bị hư hại hay không
  • Đề phòng cám bị mốc trong bồn chứa cám, tránh bị lãng phí cám.
  • Kiểm tra thường xuyên thành phần cám cơ bản.
  • Truớc khi cung cấp cám phải kiểm tra bằng mắt.
Một số loại nấm khác gây viêm nhiễm trên da của heo và gây tổn thương da. So với heo nuôi trong chuồng trại thì heo nuôi ở đồng cỏ bên ngoài sẽ thường xuyên xảy ra bệnh hơn. Nếu heo không tự hồi phục đuợc thì thường cũng không gây hại gì đến heo bị bệnh do nấm. Vì sau 1, 2 tháng sau chúng sẽ tự động bị tiêu diệt. Tuy nhiên, đôi khi có vài truờng hợp cá biệt heo bị sẩy thai do nấm, viêm vú cũng có xảy ra.

4. Ký sinh trùng

Ký sinh trùng có 2 loại: một loại ký sinh trong cơ thể (nội ký sinh trùng) và ký sinh trùng ở trong da hoặc trên bề mặt da, bên ngoài cơ thể ( ngoại ký sinh ). Loại ký sinh trùng gây bệnh nhỏ nhất là cầu trùng ( coccidiosis ) đuợc tìm thấy ở ruột. Chúng xâm nhập vào bề mặt thành trong của ruột non và sinh sống ở đó.

Ký sinh trùng khác với vi khuẩn ở điểm chúng phát triển theo vòng đời. Giai đoạn phát triển của chúng bắt đầu từ trứng phát triển thành ấu trùng và cuối cùng thành ký sinh trùng. Một vài loại ký sinh trùng cần đến vật chủ trung gian. Ví dụ, nếu chúng ta theo dõi vòng đời của giun phổi có thể thấy giun đất có vai trò trung gian. Vòng đời của ký sinh trùng cần vật chủ trung gian như vậy đuợc gọi là vòng đời gián tiếp. Trong quá trình chăn nuôi cần phải đề phòng bệnh ký sinh trùng, do vậy cần phải có những kiến thức liên quan đến chu kỳ vòng đời của ký sinh trùng.

Phuơng pháp hiệu quả và kinh tế nhất trong việc phòng bệnh do ký sinh trùng đó là giữ vệ sinh sạch sẽ và loại bỏ các vật chủ trung gian.

5. Tác nhân không lây nhiễm

Vết thuơng bên ngoài: Vết thuơng bên ngoài cũng có thể trở thành nguyên nhân quan trọng gây bệnh đối với trang trại nuôi heo. Bằng việc quản lý chăm sóc thích hợp có thể giảm đuợc bệnh do vết thương bên ngoài.

6. Khiếm khuyết mang tính di truyền bẩm sinh

Bệnh mang tính di truyền và bệnh bẩm sinh thuờng hiếm thấy ở heo, và có biểu hiện triệu chứng đa dạng. “ Di truyền” có nghĩa là gene của bố hoặc mẹ được truyền lại cho heo con. “ Bẩm sinh” có nghĩa là bệnh đó xuất hiện lúc được sinh ra, tuy nhiên đây có thể không phải là khiếm khuyết có tính di truyền, mà trong thời gian ở tử cung, thai có xuất hiện phát triển bất thường. Tuy nhiên phát triển bất thuờng ở đây có khi không biểu hiện rõ ràng lúc sinh ra mà có thể xuất hiện khi heo đang lớn. Nguời ta gọi những truờng hợp như vậy là phát triển không bình thường. Nếu những khiếm khuyết bẩm sinh chỉ được phát hiện ở giống heo nào đó thì rất có thể là do di truyền.

Đa số những khiếm khuyết mang tính bẩm sinh hoặc di truyền ít ảnh hưởng, do sự sàng lọc trong quá trình thực hiện phối. Tuy nhiên đôi khi cũng phát hiện trường hợp heo đực có đặc điểm sản sinh ra heo con bất thường cao hơn so với thông thường.

Không phải tất cả những khiếm khuyết bẩm sinh đều do di truyền. Trong số những khiếm khuyết bẩm sinh có những thứ không mang tính di truyền.

7. Thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng quá nhiều

Hiện tại đối với heo, những kiến thức về dinh dưỡng và công thức dinh dưỡng được nghiên cứu khá tốt, do đó những vấn đề xảy ra liên quan đến dinh dưỡng không đúng đang được giảm đi đáng kể.

Vấn đề thiếu dinh dưỡng trong cám hiện tại thỉnh thoảng vẫn được phát hiện và có thể liên quan đến 4 yéu tố: năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Hầu hết các vấn đề đều là do thiếu dinh dưỡng, tuy nhiên nếu dinh dưỡng bị dư đôi khi cũng có thể gây ra bệnh.

8. Vật chất có độc - Vật chất phát huy độc tính.

So với khi đàn heo ở quy mô nhỏ, tình trạng phát sinh do yếu tố này có giảm và mức độ phát sinh có thể yếu dần đi, tuy nhiên do một vài nguyên nhân mà trúng độc vẫn đang xảy ra nhiều. Một số loại vật chất nếu heo ăn phải với số lượng nhiều có thể nhiễm độc và gây ra bệnh.

Ngộ độc có thể xảy ra đối với cá thể hoặc thậm chí có thể xảy ra ở cả đàn. Trong truờng hợp xảy ra ở cả đàn, có thể phát hiện cùng một lúc triệu chứng trúng độc với số lượng heo bị bệnh nhiều. Nếu quan sát bệnh tích thì có thể xác định do tiếp xúc với vật chất có độc, hoặc do ăn phải chất có độc. Nếu ăn phải thức ăn có hàm lượng quá cao khoáng chất hay vitamin thì có thể mắc bệnh. Cũng có nhiều loại thuốc nếu sử dụng nhiều quá so với mức điều trị cũng có thể trúng độc.

Một trong số những sai lầm của người quản lý dễ mắc phải, đó là thường nghĩ rằng, nếu sử dụng gấp hai lần thuốc thì hiệu quả cũng sẽ tăng gấp hai. Khi sử dụng quá liều có thể dẫn đến phản tác dụng.

Vật chất phổ biến có thể gây ngộ độc:
  • Kháng sinh: Carbadox, monensin, sulfadimidine.
  • Nguyên tố vi lượng: sắt, đồng, kẽm, mangane, iodin, selenium, asen, thuỷ ngân, florua.
  • Nhựa than đá
  • Gas: amoniac, oxid cacbon, hydrogen sulfide.
  • Thuốc trừ sâu: Organophosphate, carbamate, rindan, dieldrin.
  • Thuốc chuột
  • Thực vật có độc.

9. Stress

Stress là tình trạng mà heo mắc phải khi được chăn nuôi trong môi trường không phù hợp và kỹ thuật quản lý kém. Nếu được chăm sóc trong môi trường phù hợp, sức khoẻ của heo cũng tốt và năng lực sinh học cũng được cải thiện.

Khi bị stress trạng thái của heo sẽ như thế nào?
  • Lượng bạch cầu trong máu tăng
  • Hormone (cortisol) ở tuyến thượng thận tiết ra tăng, làm ức chế miễn dịch
  • Khả năng mắc bệnh cao
  • Ăn uống giảm
  • Tỷ lệ tăng trưởng, nhu cầu cám giảm
Nguyên nhân chủ yếu gây stress:
  • Thiếu nước
  • Thiếu không gian
  • Mật độ nuôi cao
  • Nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp hoặc thay đổi nhiệt độ
  • Gió
  • Di chuyển, trộn đàn, cắn nhau
  • Tức giận, hoặc bị hành hạ về thể xác
  • Thiếu ánh sáng
  • Có thể tăng khả năng dễ mắc stress do thiếu selenium hoặc vitamin E
  • Ăn phải quá nhiều vitamin A
  • Dinh dưỡng không phù hợp hoặc thiếu dinh dưỡng
  • Heo đẻ hoặc cai sữa, di chuyển, thay đổi hoàn cảnh, chuồng trại
  • Bị bệnh
Biên dịch: Heo Team
Theo Pig & Pork



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y