Bệnh Tiêu Chảy Trên Heo Sau Cai Sữa | Vetshop.VN


Bệnh Tiêu Chảy Trên Heo Sau Cai Sữa

Đăng bởi: | ngày: 27.8.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tác nhân gây bệnh tiêu chảy ở heo giai đoạn sau cai sữa có thể là: E. coli (rất phổ biến), Rotavirus (phổ biến), Coronavirus gây bệnh TGE hoặc PED (hiếm xảy ra); Salmonella (ít phổ biến). Ngoài ra các yếu tố stress do quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng (mất đi nguồn sữa mẹ, thay đổi thức ăn, chuồng trại, trộn bầy...) là nguyên nhân vô cùng quan trọng dẫn đến tiêu chảy trên heo sau cai sữa. Ở giai đoạn cai sữa, heo con mất đi sự bảo vệ từ sữa mẹ, cộng với tác động của các yếu tố stress nên sức đề kháng với bệnh bị suy giảm, tạo cơ hội để vi khuẩn Escherichia coli gia tăng phát triển và gây tiêu chảy sau cai sữa.

1. Tiêu chảy do E. coli

1.1 Dịch tễ:

Tiêu chảy sau cai sữa có thể diễn ra trong vòng 10 ngày, thường là từ 4~5 ngày sau cai sữa. Bệnh xảy ra chỉ trên một số ít cá thể heo trong bầy, thường tỷ lệ bệnh không quá 20 – 30%.

1.2 Miễn dịch

Heo con sau cai sữa không còn miễn dịch mẹ truyền. Miễn dịch niêm mạc đường ruột giữ vai trò chính trong bảo vệ heo chống lại E. coli gây tiêu chảy. Tiêm vắc-xin phòng bệnh do E. coli cho heo sau cai sữa không tạo được miễn dịch bảo hộ.

1.3 Chẩn đoán

1.3.1. Chẩn đoán lâm sàng

Triệu chứng:heo con bị tiêu chảy kéo dài từ 3~5 ngày, phân lỏng màu xám nâu, nhưng có không có máu. Heo thường bị tiêu chảy trong 3~5 ngày đầu sau cai sữa, hoặc ngay khi thay đổi khẩu phần thức ăn.
Bệnh tích:không có bệnh tích điển hình.

1.3.2. Chẩn đoán phòng thí nghiệm:

Xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh từ chất chứa đoạn trên của ruột non và từ phân heo bệnh. Vi khuẩn gây bệnh mọc thuần trên môi trường nuôi cấy.

1.4 Phòng và trị

Phòng bệnh:

  • Duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt tuần đầu sau cai sữa (33 – 35 độ C). Tránh thay đổi thức ăn trong lúc cai sữa, giảm từ từ lượng cám cung cấp và nên chọn thức ăn dễ tiêu hóa. Không trộn quá 2 bầy heo vào một ô chuồng.
  • Tăng cường khả năng tiêu hóa ở heo con (bổ sung chế phẩm chứa enzyme tiêu hóa hoặc vi sinh vật có lợi trên đường tiêu hóa như Lactobacillus, Bacillus subtilis...hay các axit hữu cơ).
  • Bổ sung thuốc vào trong thức ăn ở hàm lượng điều trị 3- 5 ngày trước và sau khi cai sữa, kẽm oxit ở hàm lượng 2600 ppm trong 2 tuần sau cai sữa.

Trị bệnh:

  • Cấp kháng sinh theo đường uống như: ampicillin, amoxicillin, apramycin, neomycin, tetracyclines, trimethoprim sulphonamide, spectinomycin, gentamicin, cephalothin hoặc ceftiofur (trường hợp cho phép sử dụng). Ngay khi phát hiện heo mắc bệnh, phải điều trị ngay và liên tục từ 3~5 ngày.
  • Bù nước và chất điện giải, truyền dung dịch glucose qua đường miệng.
  • Cấp thuốc chống tiết dịch, cầm tiêu chảy.
  • Bổ sung axit hữu cơ vào trong thức ăn, nước uống (pH khoảng 4,5 – 4,8).

2. Tiêu chảy do Salmonella

2.1 Tác nhân: 

Do vi khuẩn Salmonella choleraesuis hoặc Salmonella typhimurium

2.2 Dịch tễ: 

Vi khuẩn hiện diện nhiều trong đường ruột heo bệnh bài thải qua phân. Ở heo mang trùng vi khuẩnSalmonellacư trú trong hạch bạch huyết gây khó khăn cho việc chẩn đoán và tiêu diệt vi khuẩn. Salmonella dễ bị tiêu diệt bởi thuốc sát trùng (hợp chất phenol, chlorine...), pH < 5. Bệnh xảy ra chủ yếu trên heo từ 10 – 16 tuần tuổi, có thể kết hợp với bệnh TGE, PED, dịch tả heo hoặc E. coli. Vi khuẩn lây nhiễm mạnh trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, lây lan qua nước, thức ăn...nhiễm Salmonella. Tỷ lệ bệnh có thể lên đến 50%, tỷ lệ chết vào khoảng 10%. Bệnh có thể xuất hiện ở trong trại dưới 2 thể bệnh: cấp tính và mãn tính.

2.3 Miễn dịch: 

Vi khuẩn Salmonella sống nhược độckích thích tạo miễn dịch qua trung gian tế bào trên heo có thể bảo vệ heo chống lại Salmonella. Miễn dịch tạo thành do tiêm vắc-xin có thể bảo vệ heo đến 6 tháng.

2.4 Chẩn đoán

2.4.1. Chẩn đoán lâm sàng

  • Triệu chứng:heo bệnh bị gầy yếu, sốt, tiêu chảy kéo dài từ 3~7 ngày, phân lỏng nhầy, màu xám vàng, mùi hôi khó chịu. Heo bệnh thể cấp tính sốt cao, bỏ ăn, da vùng tai, mõm, chân tím bầm. Heo bệnh chết do mất nước và giảm kali huyết.
  • Bệnh tích:mổ khám ruột bị viêm, hoại tử. Hạch màng treo ruột, đặc biệt là vùng hồi manh tràng sưng to. Một số heo bệnh mãn tính trực tràng có thể bị thắt làm ruột kết bị phình to do heo không đi phân được.

2.4.2. Chẩn đoán phòng thí nghiệm: 

Xét nghiệm phân lập Salmonellatừ hạch màng treo ruột, vùng hồi manh tràng và phân heo bệnh.

2.5 Phòng trị:

2.5.1. Phòng bệnh:

  • Vệ sinh tiêu độc chuồng trại thật cẩn thận.
  • Hạn chế tối đa các yếu tố gây stress (trộn bầy, thay đổi nhiệt độ, gió lùa...).
  • Bổ sung axit hữu cơ vào trong thức ăn, nước uống (pH khoảng 4,5 – 4,8).
  • Bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn cho heo vào những giai đoạn nguy cơ: sau cai sữa, giao mùa, thời tiết thay đổi...
  • Tiêm phòng vắc-xin heo khi cai sữa.

2.6.2. Trị bệnh: 

  • Cấp kháng sinh theo đường uống hoặc chích: amikacin, gentamicin, apramycin, neomycin, trimethoprim sulphonamide hoặc ceftiofur (trường hợp cho phép sử dụng). Ngay khi phát hiện heo mắc bệnh, cách ly và điều trị ngay, liên tục từ 3~5 ngày.
  • Tiêm thuốc kháng viêm.
  • Bù nước và chất điện giải, truyền dung dịch glucose qua đường miệng.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y