Bệnh Hô Hấp Phức Hợp Trên Heo / Porcine Respiratory Disease Complex | Vetshop.VN


Bệnh Hô Hấp Phức Hợp Trên Heo / Porcine Respiratory Disease Complex

Đăng bởi: | ngày: 7.6.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này

"Bệnh hô hấp phức hợp trên heo" là gì?

Hình 1: Các yếu tố gây nên bệnh PRDC
Hình 1: Các yếu tố gây nên bệnh PRDC
Theo thống nhất chung của giới chuyên môn "Bệnh hô hấp phức hợp trên heo" là bệnh lý gây nên các triệu chứng hô hấp do nhiều nguyên nhân kết hợp như: Vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn, ...), môi trường, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, ... xảy ra trên heo sau cai sữa và nuôi thịt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Tùy theo đặc điểm của mỗi trại, tỷ lệ bệnh có thể dao động từ 30 - 70%, với tỷ lệ chết thấp chỉ khoảng dưới 10%. Tuy tỷ lệ heo chết thấp so với tỷ lệ heo bệnh nhưng thiệt hại do bệnh hô hấp phức hợp gây ra rất lớn do chi phí thú y tăng cao và tăng trưởng kém của heo, năng suất sụt giảm, hiệu quả chăn nuôi thấp.

1. Nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh hô hấp phức hợp xảy ra liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau được chia ra thành 3 nhóm: Vi sinh vật, môi trường và quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng. Nguyên nhân gây bệnh thay đổi tùy theo trại, theo giai đoạn và theo mùa ở từng trại. Vật chủ, môi trường, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng ... là những yếu tố quyết định đến tình hình bệnh hô hấp phức hợp ở trong trại. Trong nhóm yếu tố vi sinh vật, căn cứ vào đặc điểm phát sinh bệnh có thể chia tác nhân vi sinh vật gây bệnh thành 2 nhóm:

Tác nhân chính (mở đường):

Tác nhân phụ (cơ hội): 

Pasteurella multocida, Haemophilus parasuis, Streptococcus suis, Actinobacillus sius, ...
Phòng chẩn đoán Thú Y, Đại Học Iowa, Mỹ năm 2000, đã xác định được một số tác nhân vi sinh vật gây bệnh trên heo có bệnh hô hấp phức hợp, được liệt kê trong Bảng 1.

2. Đặc điểm bệnh:

Tại trại, triệu chứng bệnh trên đường hô hấp có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên khi đánh giá tình hình heo mắc bệnh Hội chứng hô hấp phức hợp tại trại, các chuyên gia chỉ đánh giá trên heo từ 8 tuần tuổi trở đi, đặc biệt ở giai đoạn 8 - 10 tuầ tuổi và từ 14 đến 20 tuần tuổi.
Triệu chứng: heo bệnh có biểu hiện chung của viêm nhiễm đường hô hấp như: mệt mỏi, giảm hoặc bỏ ăn, sốt, chảy dịch mũi, mắt có thể có ghèn, ho, thở khó, da nhợt nhạt .. do tình trạng sức khỏe suy giảm. Về cơ bản rất khó phân biệt được heo mắc bệnh hô hấp phức hợp hay bệnh hô hấp do một nguyên nhân cụ thể.
Bảng 1: Vi sinh vật gây bệnh trên heo có bệnh hô hấp phức hợp (Phòng chẩn đoán Thú Y, Đại học Iowa, Mỹ, Perry A.Harms, 2001)
STTVi sinh vật gây bệnhSố heo bệnhTỷ lệ, %
1PRRSV132442
2Pasteurella multocida71523
3PCV269422
4Vi rút cúm heo55917
5Mycoplasma hyopneumonia45214
6Streptococcus spp39813
7Haemophillus parasuis2418
8Salmonella2257
9Actinobacillus pleuropneumoniae1735

Các yếu tố nguy cơ trong bệnh hô hấp phức hợp trên heo:

Tuy bệnh hô hấp phức hợp trên heo gắn liền với một hay nhiều tác nhân vi sinh vật, để bệnh có thể xảy ra cần phải hội đủ một số yếu tố không thuận lợi khác liên quan đến môi trường và quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn, ... Những yếu tố không thuận lợi này được xem là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh hô hấp  phức hợp xảy ra trong trại. Như vậy, tùy theo điều kiện cụ thể của từng trại tương ứng với từng yếu tố nguy cơ được liệt kê trong Bảng 2, mức độ bệnh hô hấp phức hợp cũng như hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh cũng khác nhau. Trại nào càng khống chế tốt các yếu tố nguy cơ, bệnh càng ít xảy ra, mức độ thiệt hại do bệnh gây ra càng thấp và hiệu quả phòng chống bệnh càng cao.
Bảng 2: Các yếu tố nguy cơ trong bệnh hô hấp phức tạp trên heo (Lysan Eppink, 2013)
STTYếu tố nguy cơMức độ tác động
1Mật độ nuôi cao+++
2Nuôi liên tục+++
3Chất lượng không khí kém+++
4Thông thoáng kém+++
5Biên độ dao động nhiệt độ lớn+++
6Trộn chung nhiều bầy+++
7Tiếp xúc trực tiếp giữa heo các lứa tuổi+++
8Quy mô đàn lớn (>200)++
9Trại gần trại++
10Vệ sinh kém++
11Phát hiện bệnh chậm, điều trị kém++
12Dinh dưỡng không đúng+
Theo bảng 2, vi sinh vật gây bệnh không được đưa vào các yếu tố nguy cơ. Điều này không có nghĩa là vai trò của vi sinh vật gây bệnh không quan trọng mà bởi vì chính các yếu tố nguy cơ được trình bày trong Bảng 2 là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh trên đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh trên heo. Hình 1 minh họa mối quan hệ tương tác với nhau trong bệnh hô hấp phức hợp trên heo của ba nhóm yếu tố: vi sinh vật gây bệnh, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng và sức khỏe vật chủ. Trong mối tương tác trên, sự phát triển hay áp lực của vi sinh vật gây bệnh sẽ mạnh hay yếu tùy thuộc các yếu tố sau:
  • Khả năng chống bệnh của vật chủ (tình trạng miễn dịch, sức đề kháng tự nhiên ...).
  • Quản lý môi trường, đàn, chăm sóc nuôi dưỡng (vệ sinh - tiêu độc, thông thoáng khí kém, biến động nhiệt độ lớn, nuôi lẫn nhiều lứa tuổi heo khác nhau, mật độ cao, hệ thống nuôi liên tục ...).
Trong mối quan hệ qua lại phức tạp giữa các yếu tố, nhóm yếu tố quản lý được xem là yếu tố quan trọng nhất, tác động mạnh đến khả năng chống bệnh của heo, cũng như áp lực vi sinh sinh vật gây bệnh ở trong trại (Hình 1). Nếu công tác quản lý môi trường, đàn, chăm sóc nuôi dưỡng được thực hiện tốt (tiêm phòng tốt, chống stress tốt, vệ sinh tiêu độc tốt ...) đàn heo sẽ có sức đề kháng tốt, chống chịu được các dịch bệnh; đồng thời làm hạn chế sự tồn tại, bài thải và phát triển vi sinh vật gây bệnh, giảm áp lực dịch bệnh ... từ đó dẫn đến giảm thiểu thiệt hại do bệnh hô hấp phức hợp nói riêng và dịch bệnh khác nói chung, nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Ngược lại, tình trạng miễn dịch của đàn và tình hình dịch bệnh trong trại sẽ là thước do phản ánh hiệu quả các biện pháp quản lý mà trại đang áp dụng. Tùy theo mức độ của các yếu tố trên mà các biện pháp quản lý đàn cần phải được điều chỉnh để thích hợp với sự biến động theo thời gian, điều kiện cụ thể tại trại. Và cùng với sự điều chỉnh các biện pháp quản lý một cách thích hợp, tình trạng miễn dịch và dịch bệnh của trại sẽ được cải thiện.
Như vậy, với Hình 1, rõ ràng hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh hô hập phức hợp phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý tại trại, bao gồm quản lý tất cả các yếu tố nguy cơ (miễn dịch đàn, môi trường, chăm sóc nuôi dưỡng ...). Điều này lại phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm của từng trại, năng lực và sự quan tâm của các cán bộ, nhân viên kỹ thuật, kể cả chủ trại đối với công tác quản lý. Đây cũng chính là lý do vì sao hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh hô hấp phức hợp nói riêng và dịch bệnh khác nói chung không như nhau ở các trại.
Mối liên hệ giữa các yếu tố trong bệnh PRDC

3. Điều trị:

Việc điều trị bệnh hô hấp phức hợp trên heo chỉ là biện pháp tình thế, can thiệp trên phần ngọn (làm giảm thiệt hại sau khi bệnh đã xảy ra) nhưng không giải quyết được phần gốc (những nguyên nhân dẫn đến bệnh). Tuy nhiên, ngay cả trong điều trị, dù thế nào đi nữa thì hiệu quả cũng không thể như nhau giữa các trại vì còn tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, tuổi heo bệnh, mức độ bệnh, ... cũng như công tác quản lý ở từng trại. Liệu pháp điều trị cơ bản là sử dụng kháng sinh tác động trên đường hô hấp, ví dụ như gentamycin, enrofloxacin, kanamycin, ... kết hợp với kháng viêm non-steroid, vitamin nhóm B, C giúp heo giảm stress, tăng cường biến dưỡng, tính thèm ăn ... giúp heo chống bệnh tốt hơn và mau phục hồi. Điều cần lưu ý là hiệu quả của kháng sinh đối với các loại vi sinh vật gây bệnh cũng khác nhau và có thể khác nhau tùy trại, vì vậy nên chọn lựa kháng sinh sử dụng một cách cẩn thận, theo đặc điểm sử dụng kháng sinh của mỗi trại. Bảng 3 giới thiệu về kết quả đánh giá tỷ lệ đề kháng kháng sinh của một số loài vi khuẩn gây bệnh hô hấp phức hợp trên heo do Leon Scuka công bố năm 2009.
Bảng 3: Đề kháng kháng sinh ở một số vi khuẩn gây bệnh hô hấp phức hợp trên heo, tỷ lệ % (Leon Scuka, 2009)
Kháng sinhA.pleuropneumoniaeP.multocidaB.bronchissepticaH.parasuis
Gentamycin6,43,93,79,5
Trimethoprim/sulfonamide16,519,968,130,9
Enrofloxacin2,32,87,60,0
Kanamycin3,36,67,03,1
Neomycin10,38,53,44,8
Ampicillin14,015,157,523,3

4. Kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo:

Việc kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo chỉ thật sự có hiệu quả khi thực hiện đồng loạt các biện pháp tác động đến tất cả các nhóm yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh. Điều quan trọng là cần phải đánh giá cho đúng tình trạng bệnh, nguyên nhân, tác nhân vi sinh vật gây bệnh, ... để áp dụng các biện pháp phòng chống thích hợp. Để có thể thực hiện được điều này các trại nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bác sỹ thú y. Về cơ bản chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo dựa trên 3 nhóm biện pháp: sử dụng kháng sinh để phòng và trị, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm liên quan đến bệnh lý trên đường hô hấp và tăng cường công tác quản lý của trại trên tất cả các phương diện.
Đối với liệu pháp kháng sinh, cần chủ động áp dụng và chỉ nên áp dụng ở các giai đoạn, thời điểm heo dễ bị stress nhất (chuyển chuồng, chuyển giai đoạn nuôi, thay đổi cám, thời tiết thất thường, ...). Để phòng bệnh tốt nhất là sử dụng kháng sinh qua thức ăn, nước uống. Trên heo bệnh nên sử dụng liệu pháp tiêm và khi đàn bị bệnh nặng nên tiêm cho toàn đàn. Nếu sử dụng kháng sinh có thời gian tác động lâu sẽ có lợi trong việc giảm stress cho heo và chi phí lao động. Một số kháng sinh được sử dụng phổ biến trong phòng chống bệnh hô hấp phức hợp trên heo như: Chlortetracycline, tiamulin, lincomycin, bacitracin, doxycycline, tulathromycin, valnemulin, penicillin, amoxicillin, ceftiofur,, florfenicol, gentamicin, enrofloxacin, ...
Giải pháp tiêm phòng thật sự quan trọng và hữu ích đối với các trại có vấn đề nghiêm trọng về bệnh vì sẽ làm giảm được áp lực vi sinh vật gây bệnh theo thời gian, tuy nhiên giải pháp này chỉ có hiệu quả nêu công tác quản lý trại cũng được cải thiện. Những vắc xin chủ yếu cần phải tiêm phòng đối với các trại có nguy cơ cao đó là PRRS, PCV2, Mycoplasma, Pasteurella, ... Hiệu quả của công tác tiêm phòng phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây mà các trại cần lưu ý đó là: tình trạng miễn dịch chung của đàn và tuổi của heo, điều kiện môi trường chuồng trại, áp lực dịch bệnh khác, .... Có thể nói, mỗi trại chỉ thích hợp với mỗi quy trình tiêm phòng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng, tốt nhất các trại nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sỹ thú y dựa theo tình hình dịch bệnh của từng trại.
Công tác quản lý nói chung bao gồm quản lý môi trường, đàn heo, dinh dưỡng, miễn dịch đàn, ... được xem là yếu tố quyết định đến thành công của chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo. Nếu không chú ý cải thiện công tác quản lý ở trại thì việc phòng chống bệnh bằng kháng sinh, kể cả bằng vắc xin sẽ chỉ có hiệu quả thấp. Ví dụ, nếu trại để mật độ nuôi dày, thông khí kém, nhiệt độ thất thường, ... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố stress tác động đến thú, làm giảm sức đề kháng, tổn thương đường hô hấp của thú, ... hậu quả làm gia tăng khả năng nhiễm bệnh của heo. Để công tác quản lý trại nói chung đạt được kết quả tốt, trại cần chú ý đến một số khía cạnh quản lý như sau: mật độ nuôi, quy mô đàn,, môi trường (vệ sinh tiêu độc, nhiệt độ, ẩm độ, nồng độ khí NH3, bụi, thông thoáng, ...), dinh dưỡng, quy trình chăn nuôi, chọn giống, thay thế đàn nái hợp lý, hạn chế nguồn nhập heo ...
Hình 2, 3 minh họa tương tác trong chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo theo các nhóm yếu tố nguy cơ.
Chiến lược kiểm soát bệnh PRDC
 Chiến lược kiểm soát bệnh PRDC

5. Kết luận:

Bệnh hô hấp phức hợp trên heo ngay chính trong tên của bệnh đã phản ánh sự phức tạp trong kiểm soát nguyên nhân gây bệnh. Để đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh hô hấp phức hợp trên heo cần phải kiểm soát tất cả các nhóm yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Trong 3 nhóm yếu tố nguyên nhân, công tác quản lý trại, đàn là quan trọng nhất, quyết định đến hiệu quả, sự thành công hay thất bại của chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo.
PST.TS. Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn Nuôi - Thú Y.
Đại Học Nông Lâm TP.HCM
Nguồn: Tạp Chí Heo.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y