Cách Dạy Chó, Mèo Đi Vệ Sinh Đúng Chỗ | Vetshop.VN


Cách Dạy Chó, Mèo Đi Vệ Sinh Đúng Chỗ

Đăng bởi: | ngày: 13.5.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Hướng dẫn chó, mèo đi vệ sinh đúng nơi.
Nuôi thú cưng như chó mèo sẽ đem lại cho bạn rất nhiều niềm vui, tuy nhiên nếu thú cưng của bạn không được huấn luyện đi vệ sinh đúng chỗ sẽ khiến bạn rất vất vả để dọn dẹp. Hãy tham khảo các bước dưới đây để biết cách hướng dẫn chó, mèo đi vệ sinh đúng chỗ.

Đối với mèo

  1. Chỉ cho chú mèo biết nơi đặt khay cát vệ sinh bằng cách đặt chúng vào khay/chậu cát đã được chuẩn bị sẵn, sau đó để chúng đào bới và cào cát trong khay/chậu.
  2. Đặt mèo vào chậu vệ sinh mỗi khi chúng ngủ dậy hoặc sau khi ăn.
  3. Mèo là loài động vật rất sạch sẽ, chúng sẽ không chịu đi vệ sinh vào đúng khay cát nếu như khay bị dơ bẩn. Do đó luôn giữ cho khay cát sạch sẽ sau mỗi lần mèo đi vệ sinh xong. Tuy nhiên, không nên sử dụng các loại hoá chất tẩy rửa mạnh vì nó có thể khiến cho mèo không thích.
  4. Đặt khay vệ sinh ở nơi yên tĩnh. Cũng giống như con người, mèo không thích bị theo dõi hoặc quấy rầy trong lúc nó đang đi vệ sinh.
  5. Tuyệt đối không được “trừng phạt” mèo con khi chúng lỡ “đi bậy” ra ngoài khay. Bạn chỉ cần nói lớn và dứt khoát và đặt chúng lại vào khay. Khi nó đã đứng yên trong khay, hãy dùng những cử chỉ vuốt ve kèm lời khen ngợi. Chúng sẽ biết kết hợp giữa việc dùng đúng khay vệ sinh của mình kèm lời khen ngợi cho các lần sau.

Đối với chó

Chọn chỗ đi vệ sinh cho chó: Chỗ đi vệ sinh buộc phải xa chỗ chó hay nằm hoặc chỗ chó ngủ. Có thể là ngay trong nhà vệ sinh của bạn hoặc một góc thông thoáng trong nhà để tiện dọn dẹp. Bạn có thể dùng thau cát có trải giấy báo để làm chỗ vệ sinh cho chó. Chỗ vệ sinh này nên được dọn dẹp hằng ngày hoặc 2 ngày một lần vì nếu chỗ vệ sinh quá dơ chó cũng không muốn “đi” lên đó và chỗ đó sẽ làm bẩn chân/ lông chú chó cưng của bạn.

Cho đi vệ sinh đúng giờ: 
Mỗi chú chó có tập tính vệ sinh khác nhau tùy vào hệ tiêu hóa của chúng. Có thể là sau khi ăn 1 tiếng, sau khi ăn 30 phút, sáng sớm lúc ngủ dậy… Bạn nên bắt đầu bằng các việc sau:
    • Dẫn chó ra chỗ bạn muốn chó đi vệ sinh vào lúc sáng sớm
    • Kiên nhẫn chờ đến khi chú đi vệ sinh mới thả cho chơi tự do
    • Dẫn chó ra chỗ vệ sinh sau khi ăn. Thời điểm chó muốn đi vệ sinh tùy vào thói quen của chúng. Bạn có thể biết khoảng bao lâu sau khi ăn chó sẽ đi vệ sinh bằng cách theo dõi xem chúng đi bậy trong nhà vào lúc nào hoặc quan sát phản ứng của chó, nếu chúng khịt mũi, ngửi và đánh hơi quanh nhà có nghĩa là chú muốn đi vệ sinh.
    • Nếu không có thời gian theo dõi chó sau khi ăn, bạn có thể chờ khoảng 30 đến 45 phút sau khi ăn thì dẫn chó ra chỗ đi vệ sinh, chờ đến khi chó đi vệ sinh xong thì dẫn vào nhà.
    • Chó con sẽ đi vệ sinh nhiều hơn chó lớn (cách khoảng 1 đến 2 tiếng) và thời điểm đi vệ sinh sau khi ăn cũng ngắn hơn.
    Ảnh minh họa.

    Nhốt chó vào chuồng hoặc xích lại: Chó có tập tính không đi vệ sinh gần chỗ chúng ngủ hoặc ở, vì vậy sau khi cho ăn, dẫn đi vệ sinh và để chó chơi đùa một lúc, bạn nên nhốt chó vào chuồng hoặc xích lại ở góc chó hay ngủ. Chó sẽ nhịn tiểu/ ị đến khi được dắt đi ra chỗ vệ sinh.

    Sau một khoảng thời gian nhốt/ xích, bạn thả chó ra ăn khi đến giờ ăn. Ăn xong lại dẫn chó đi vệ sinh, cho chơi đùa một lúc và nhốt lại.

    Việc nhốt/ xích chó như trên chỉ duy trì từ 7 đến 10 ngày. Khi chó đã ngoan ngoãn chịu đi vệ sinh khi bạn dắt đi đồng thời không làm bậy trong nhà khi được thả chơi đùa tự do, bạn có thể dẹp bỏ xích và chuồng.

    Tạo mùi: 
    Bạn nên thấm chút nước tiểu hoặc lấy chút phân của chó để cho vào chỗ vệ sinh của chó trong những ngày đầu dạy chó. Chó sẽ đánh hơi được mùi và đi vệ sinh đúng chỗ.

    Tẩy mùi sạch sẽ: 
    Khi chó đi vệ sinh trong nhà, hãy đảm bảo bạn làm sạch mùi của chúng để chó không đánh hơi ra chỗ cũ để đi bậy nữa. Việc này đảm bảo chỉ có một “nguồn hơi” duy nhất từ chỗ vệ sinh của chó để chúng không bị lúng túng và lại làm bậy ra nhà. Bạn có thể thử các cách sau để khử mùi triệt để:
      • Thấm thật khô nước tiểu bằng khăn khô hoặc giấy báo. Với phân thì hốt bằng giấy báo, chùi sạch bằng giấy rồi vứt đi.
      • Dùng nước lau qua 1 lần
      • Nước lau kế tiếp cho thêm nước lau nhà/ nước cốt chanh tươi/ giấm vào và lau qua.
      • Thấm khô hoặc chờ nền nhà khô tự nhiên
      • Xịt nước chanh hoặc giấm nguyên nhất lên chỗ vừa lau, chờ khô tự nhiên
      • Nếu chó vẫn đi bậy tại chỗ cũ, lặp lại các bước trên. Sau bước cuối cùng, dùng baking soda rắc đều lên khu vực này. Có thể đặt thêm 1 chén baking soda vào góc tường để hút mùi. Sau 1-2 tiếng, dùng chổi quét baking soda đi.
      • Bạn cũng nên lau nhà thường xuyên với nước lau sàn, nước pha nước chanh hoặc giấm để khử mùi cho toàn bộ nhà bạn.
      Ứng xử khi thấy chó đang hoặc chuẩn bị đi vệ sinh sai chỗ: La , nghiêm nghị và bế chúng ngay đến chỗ đi vệ sinh đúng. Chó có thể sợ và không đi vệ sinh nữa, lúc này bạn cần kiên nhẫn bắt chúng ngồi ở chỗ vệ sinh đến khi chúng đi xong mới thả ra.

      Không nên đánh vì chó sẽ quên rất nhanh, đánh cũng vô ích.

      Không gí mũi chó vào “tác phẩm” của chúng, điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe chó và cũng khiến chúng hiểu lầm là bạn khuyến khích chúng đi vệ sinh lại ở chỗ này.

      Chỉ la kèm theo thái độ nghiêm khắc khi chó chuẩn bị hoặc đang đi vệ sinh sai chỗ. Sau khi chó đã đi vệ sinh xong, dù có bị la hoặc bị đánh thì chó vẫn không hiểu nó đang mắc lỗi gì và lần sau lại tái phạm.

      Khen thưởng rất cần thiết: 
      Đừng quên khen thưởng chó bằng giọng nói nhẹ nhàng, phấn khích kèm theo chút đồ ăn khô nếu chú làm đúng ý bạn (chỉ vài hạt, không cho ăn quá nhiều). Xoa đầu, vuốt ve và có thái độ vui vẻ khi chú đã đi vệ sinh đúng chỗ.
        Giang Nguyễn (th)



        Đăng ký nhận bài viết qua Email!

        In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


        Bản tin mới nhất

        Download Tài Liệu CN-TY

         
        Trang chủ | Về đầu trang ↑
        Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
        Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
        Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
        Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y