Hậu Quả Khó Lường Khi Nhiễm Ấu Trùng Giun Đũa Chó, Mèo | Vetshop.VN


Hậu Quả Khó Lường Khi Nhiễm Ấu Trùng Giun Đũa Chó, Mèo

Đăng bởi: | ngày: 12.9.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Giun đũa chó có tên khoa học là Toxocara canis, giun đũa mèo có tên khoa học là Toxocara cati. Ấu trùng của các loại giun này có thể bị nhiễm lạc chủ sang người và có khả năng di chuyển nội tạng để gây bệnh. Trường hợp bệnh nhân Lưu T.T. ở Thái Bình được Bệnh viện bạch Mai phát hiện tổn thương thần kinh trung ương do nhiễm ấu trùng giun đũa chó từ một nghi ngờ bị u não và những trường hợp khác tương tự xảy ra trước đây đã được các nhà khoa học cảnh báo. Vì vậy cần chủ động phòng ngừa để tránh hậu quả khó lường khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo do tiếp xúc với chúng và môi trường sống bị ô nhiễm.

Đặc điểm của giun đũa chó, mèo Toxocara

Cũng như chó và mèo, giun đũa chó Toxocara canis và giun đũa mèo Toxocara cati hiện diện và tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng giun đũa chó Toxocara canis thường gặp nhiều hơn. Giun đũa chó và giun đũa mèo trưởng thành dài trung bình bằng cỡ que tăm, sống trong ruột non của chó và mèo. Chúng đẻ trứng ở ruột và trứng theo phân thải ra môi trường bên ngoài. Các con chó và mèo khác sẽ bị nhiễm giun do nuốt phải trứng hoặc do chó, mèo mẹ truyền ấu trùng qua nhau thai hay qua sữa. Con người sống và sinh hoạt gần chó, mèo; nhất là trẻ em có thể bị nhiễm giun đũa chó, mèo do nuốt phải trứng của chúng qua tay bẩn hoặc ăn phải thức ăn có dính phân chó, mèo. 

Từ ruột người, các ấu trùng giun cũng tìm đường di chuyển nhưng vì gặp ký chủ bất thường nên chúng tạo ra phản ứng mạnh, các ấu trùng giun mất phương hướng và xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác; thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt. Chúng kéo dài cuộc sống không có lối thoát trong một thời gian dài nhiều tuần, nhiều tháng để rồi chết và bị vôi hóa vì không thể hoàn thành được chu kỳ sinh học trong cơ thể người. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans). Tuy vậy nhưng tại Bệnh viện Cochin, Paris, Pháp vào năm 1974; Giáo sư Trần Vinh Hiển đã phát hiện một trường hợp hy hữu ở bệnh nhân châu Phi nghi bị nhiễm giun chỉ bạch huyết nhưng khi xét nghiệm đã tìm thấy trứng của giun đũa chó trong máu tĩnh mạch của người bệnh. Trường hợp bệnh ấu trùng giun đũa chó được phát hiện lần đầu tiên tại nước ta vào năm 1967 trên một bệnh nhân trẻ em điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng II, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó cho đến nay, nhiều trường hợp bệnh bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo được chẩn đoán xác định ở cả người lớn và trẻ em, ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Tại Việt Nam, một nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố ghi nhận tỷ lệ mẫu đất bị nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm từ 5 đến 26% tùy theo từng vùng sinh địa cảnh. Mặc dù bệnh do nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ở người hiện diện ở khắp mọi nơi nhưng có tính chất lẻ tẻ. Bệnh do ấu trùng gây nên có đặc điểm quan trọng vì triệu chứng bệnh lý rất đa dạng, khó chẩn đoán xác định và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. 

Về mặt bệnh học, hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng được phát hiện ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em nhưng thường gặp ở trẻ em vì lứa tuổi này hay tiếp xúc, chơi đùa với chó, mèo thường xuyên hơn và ý thức vệ sinh cũng kém hơn. Thông thường, bệnh nhân chú ý đến tình trạng bệnh lý của mình do phát hiện những triệu chứng tổng quát có vấn đề như mệt mỏi, ăn mất ngon, thể trạng kém với sốt bất thường và bị dị ứng như hay nổi mẩn ngứa, nổi ban...
Vòng đời của Toxocara canis qua chó, mèo và con người.
Vòng đời của Toxocara canis qua chó, mèo và con người.

Hậu quả khó lường khi nhiễm ấu trùng giun Toxocara

Nhà khoa học Liu vào năm 1999 đã phân chia bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo ra làm 3 thể bệnh là bệnh ở nội tạng, bệnh ở mắt và bệnh không điển hình.

Bệnh Toxocara nội tạng chủ yếu gặp ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng thường thấy là sốt kéo dài, ho và thở khò khè; bị phế quản - phế viêm, thiếu máu, gan to, tăng bạch cầu ái toan; xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh có kết quả dương tính. Gan to là dấu hiệu thường gặp mặc dù bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị ấu trùng giun xâm nhập và gây bệnh. Tổn thương ở gan có hình ảnh dễ nhầm lẫn với ung thư di căn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có lách to hay nổi hạch, nổi mề đay và nốt ở dưới da. Thở khò khè là triệu chứng thường gặp của thể bệnh nội tạng; có thể bị hen suyễn nặng kèm theo tăng bạch cầu ái toan, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tăng bạch cầu ái toan trong dịch màng phổi, suy hô hấp. Trong những trường hợp khác thì thấy biểu hiện hội chứng Loeffler khá nổi bậc với các triệu chứng lâm sàng giống như bệnh lao gồm ho khan, đau ngực, bạch cầu ái toan tăng cao có thể lên đến 40% hoặc hơn; chụp phim X quang tim - phổi thấy có hình ảnh thâm nhiễm giống lao nhưng hình ảnh này tự mất đi sau từ 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy bạch cầu ái toan trong máu tăng cao từ 70 đến 80%, bạch cầu đa nhân cũng tăng, tốc độ lắng máu và gamma globulin đều tăng. Đồng thời có thể có biểu hiện thương tổn ở khớp như đau nhiều khớp, đau ở một khớp, tổn thương da di chuyển, viêm các mạch máu nhỏ. Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương hiếm gặp hơn nhưng có những biến chứng trầm trọng làm cho bệnh nhân bị yếu cơ, rối loạn cảm giác, co giật, hôn mê, động kinh, mất điều khiển vận động, cứng cổ, rối loạn tâm thần. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh lý cũng hiếm gặp có thể xảy ra như viêm cơ, viêm mô dưới da, cổ trướng, viêm dạ dày, dãn cơ tim, có khối giả u ở tim gây đột tử. Đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, có thể gặp thể bệnh ấu trùng giun lan tỏa gây nên những biến chứng nặng.

Bệnh Toxocara ở mắt gây ra do hội chứng ấu trùng giun di chuyển ở mắt. Bệnh thường gặp ở những trẻ lớn, không có những triệu chứng bệnh lý của ấu trùng giun nội tạng. Ở mắt, ấu trùng giun tình cờ bị giữ lại tạo ra một khối viêm thâm nhiễm tăng bạch cầu ái toan. Triệu chứng bệnh lý điển hình gồm giảm thị lực một bên, đau mắt, đồng tử trắng, lé mắt kéo dài nhiều tuần. Thường gặp nhất là u hạt võng mạc cực sau, dễ nhầm với ung thư võng mạc. Những biểu hiện bệnh lý khác thường gặp là viêm màng bồ đào, áp xe thủy tinh thể, viêm thần kinh giác mạc, có mủ trong tiền phòng. Thường chỉ một mắt bị bệnh, hiếm khi cả hai mắt đều bị tổn thương. Không có dấu hiệu tăng bạch cầu ái toan, gan to và các triệu chứng khác của hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng. Bệnh Toxocara không điển hình được chẩn đoán xác định bằng phương pháp huyết thanh miễn dịch để giúp phát hiện những bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng giun nhưng có những triệu chứng không rõ ràng, không xếp loại được vào nhóm thể bệnh nội tạng và thể ở mắt. Bệnh nhân thường có những biểu hiện bệnh lý như đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, kém phát triển tinh thần và thể lực, ăn uống kém, sốt, viêm hạch cổ... Trên thực tế, có nhiều trường hợp bệnh nhân có kết quả chẩn đoán huyết thanh dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng và hầu hết đều có dấu hiệu bạch cầu ái toan tăng nhẹ. Chẩn đoán bệnh trong trường hợp thể bệnh không điển hình tương đối khó vì triệu chứng lâm sàng vô cùng đa dạng, có khả năng xảy ra ở nhiều cơ quan. Nếu bệnh nhân có hội chứng Loeffler hay triệu chứng thần kinh, gan..., có bạch cầu ái toan cao hoặc hơi cao thì cho người bệnh thực hiện chẩn đoán huyết thanh để phát hiện kháng thể kháng giun. Sau khi loại trừ các nguyên nhân khác trong tình huống bệnh nhân có kết quả chẩn đoán huyết thanh dương tính thì tác nhân gây bệnh có nhiều khả năng do ấu trùng giun đũa chó, mèo. Ngoài ra, có thể dùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp CT scan (computerized tomography scan), chụp cộng hưởng từ MRI (magnetic resonance imaging) để tìm thương tổn ở não.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Việc chẩn đoán xác định bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo Toxocara thường khó khăn. Vì vậy cần kết hợp các yếu tố về lâm sàng, bệnh học, dịch tễ, cận lâm sàng, kết quả huyết thanh học, chẩn đoán hình ảnh và kết quả điều trị. Bệnh lý của bệnh này có thể nhầm lẫn với bệnh sán lá gan hoặc các bệnh lý đường gan mật. Trường hợp nếu có khối u trong mắt dễ nhầm lẫn với bệnh lý của các u độc tính võng mô. Tuy vậy, trên thực tế có thể căn cứ vào các dấu hiệu như bạch cầu ái toan tăng cao từ 60 đến 80% và kéo dài nhiều năm, sinh thiết gan ở các u hạt có thể tìm thấy ấu trùng giun; khảo sát yếu tố dịch tễ ghi nhận bệnh nhân thường là trẻ em hay chơi đùa với chó, mèo hoặc nghịch đất bẩn, ăn uống bị nhiễm bẩn; đồng thời phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên giun đũa chó, mèo cho kết quả dương tính. Về điều trị bệnh, có thể dùng thuốc thiabendazole với liều lượng từ 25 đến 50mg/kg cân nặng, dùng từ 7 đến 10 ngày kèm theo corticoide liệu pháp và thuốc kháng histamine. Thuốc thiabendazole có hiệu lực tốt nhưng có tác dụng phụ và gây mệt nhiều nên hiện nay các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng thuốc albendazole với liều lượng 10mg/kg cân nặng mỗi ngày, thời gian điều trị thực hiện tùy theo biểu hiện bệnh lý và diễn biến của bệnh; có thể dùng từ 5 đến 28 ngày, trung bình khoảng 10 ngày; thuốc cho kết quả điều trị tốt, hiệu lực có thể đạt tới 96%. Việc phòng bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo trong cộng đồng hiện nay cần phải đặc biệt quan tâm bì bệnh phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam. Trong những năm gần đây, kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men với kháng nguyên ngoại tiết - phân tiết từ ấu trùng giun giai đoạn 2 của giun đũa chó Toxocara canis được các nhà khoa học ứng dụng nên đã phát hiện nhiều bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun ở cả trẻ em và người lớn. Phòng bệnh có hiệu quả nhất là tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường và thực phẩm cho các bậc phụ huynh để hướng dẫn trẻ em ăn ở vệ sinh, sạch sẽ. Không nên cho trẻ chơi đùa với chó, mèo vì rất dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nếu có điều kiện, cần điều trị tẩy giun định kỳ cho chó, mèo nuôi ở trong nhà để làm hạn chế và giảm ô nhiễm môi trường sống.

Ngày 19/08/2013



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y