Hệ Hô Hấp Của Gia Cầm | Vetshop.VN


Hệ Hô Hấp Của Gia Cầm

Đăng bởi: | ngày: 20.7.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Hình 1.4. Sơ đồ bộ máy hô hấp của gia cầm.
Gia cầm có nhu cầu oxy cao hơn rất nhiều so với gia súc, do đó đặc điểm giải phẫu - sinh lý của bộ máy hô hấp rất đặc biệt, đảm bảo cường độ trao đổi khí cao trong quá trình hô hấp. Cơ hoành không phát triển, hai lá phổi nhỏ, đàn hồi kém, lại nằm kẹp vào các xương sườn nên hệ hô hấp được bổ sung thêm hệ thống túi khí. Túi khí có cấu trúc túi kín (giống như bóng bay) có màng mỏng do thành các phế quản chính và phế quản nhánh phình ra mà thành. Theo chức năng, các túi khí được chia thành túi khí hít vào (chứa đầy khí hít vào) và túi khí thở ra (chứa đầy khí thở ra). Gia cầm có 9 túi khí gồm 4 cặp nằm đối xứng nhau và một túi lẻ.

Các cặp túi hít vào gồm cặp bụng và cặp ngực phía sau. Các túi khí to nhất là những phần tiếp theo của các phế quản chính. Túi bên phải lớn hơn túi bên trái. Cả hai túi có bọc tịt (túi thừa) kéo vào tới xương đùi, xương chậu và xương thắt lưng - xương cùng, có thể nối cả với các xoang của những xương này.

Túi khí ngực sau nằm ở phần sau xoang ngực và kéo dài tới gan.

Túi khí ngực trước nằm ở phần bên của xoang ngực, d ưới phổi, và kéo dài tới x ương sườn cuối cùng.

Cặp túi khí cổ kéo dài dọc theo cổ tới đốt sống cổ thứ 3 - 4, nằm trên khí quản và thực quản. Theo đường đi, các túi khí này tạo ra thêm các bọc, toả vào các đốt sống cổ, ngực và xương sườn. Túi khí lẻ giữa xương đòn nối với các túi khí cổ. Nhờ hai ống túi này nối với hai lá phổi và có ba cặp túi thừa, một cặp đi vào hai xương vai, cặp thứ hai đi vào khoảng trống giữa xương quạ và xương sống, cặp thứ ba vào giữa các cơ và vai ngực. Phần giữa lẻ của túi giữa xương đòn nằm giữa xương ngực và tim.

Dung tích tất cả các túi khí của gà là 130 - 150 cm3, lớn hơn thể tích của phổi 10 - 12 lần.

Các túi khí còn có vai trò trong việc điều hoà nhiệt của cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi bị quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu tách hệ thống túi khí khỏi quá trình hô hấp của gia cầm thì khi cơ làm việc nhiều, thân nhiệt sẽ tăng lên quá mức bình thường.

Nằm giữa các cơ quan bên trong và dưới da, các túi khí đồng thời làm giảm khối lượng cơ thể gia cầm. Thêm nữa, sự phế hoá các xương cũng có ý nghĩa về mặt này. Ở thuỷ cầm, nhờ có các túi khí làm cho không những khối lượng riêng của cơ thể giảm mà quá trình trao đổi khí cũng kéo dài hơn. Vì vậy vịt có thể lặn dưới nước tới 15 phút liền.

Hình 1.4. Sơ đồ bộ máy hô hấp của gia cầm.
Hình 1.4. Sơ đồ bộ máy hô hấp của gia cầm.
1- Túi giữa xương đòn; 2 - Lối vào xương vai; 3 - Túi cổ; 4 - Túi ngực trước; 5 -Túi ngực sau; 6- Túi bụng; 7 - Phổi; 8 - Phế quản chính; 9 - Phế quản ngoài của túi bụng; 10 - Phế quản túi ngực sau; 11 - Phế quản túi bụng;

Gia cầm hô hấp kép, đó là các đặc điểm điển hình của cơ quan hô hấp. Khi hít vào, không khí bên ngoài qua mũi để vào phổi, sau đó vào các túi khí bụng (túi khí hít vào), trong quá trình đó, diễn ra quá trình trao đổi khí lần thứ nhất. Khi thở ra, không khí từ các túi khí bụng và ngực sau, bị ép và đẩy ra qua phổi, trong quá trình đó, diễn ra quá trình trao đổi khí lần thứ hai.

Nồng độ khí cacbonic ở không khí thở ra của gia cầm tương đối lớn, ở vịt tới 4,9%, ở bồ câu 4,2%.

Tần số hô hấp ở gia cầm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loài, giới tính, độ tuổi, khả năng sản xuất, trạng thái sinh lý, điều kiện nuôi dưỡng và môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, thành phần khí trong không khí, áp suất khí quyển ...). Tần số hô hấp thay đổi trong ngày và đặc biệt trong các trạng thái bệnh lý khác nhau của cơ thể.

Dung tích thở của phổi gia cầm được bổ sung bằng dung tích các túi khí, cùng với phổi, tạo nên hệ thống hô hấp thống nhất. Dung tích thở của phổi và các túi khí được tính bằng tổng thể tích không khí hô hấp, bổ sung và dự trữ. Ở gà dung tích này bằng 140 - 170cm3, ở vịt 300 - 315cm3. Các thể tích bổ sung và dự trữ của dung tích ở trong thực tế không đo được. Không xác định được cả thể tích không khí lưu lại.

Trao đổi khí giữa không khí và máu gia cầm bằng phương thức khuyếch tán, quá trình này phụ thuộc vào áp suất riêng phần của các khí có trong không khí và trong máu gia cầm.

Trong khí quyển hoặc trong những chuồng nuôi thông thoáng tốt thường có: oxi 20,94%; CO2  0,03%; nitơ và các khí trơ khác (acgon, heli, neon...) - 79,93%. Trong không khí thở ra của gia cầm có 13,5 - 14,5% oxi và 5 - 6,5% cacbonic.

Trong chăn nuôi gia cầm, việc tạo chuồng nuôi có độ thông thoáng lớn, tốc độ gió lưu thông hợp lý nhằm cung cấp khí sạch, loại thải khí độc (CO2  , H2S…), bụi ra khỏi chuồng, có một ý nghĩa vô cùng to lớn.

Bảng 1.2. Tần số hô hấp, thể tích phổi và túi khí của các loài gia cầm khác nhau
Loài gia cầmTần số hô hấp (trong 1 phút)Tần số hô hấp trung bình (trong 1 phút)Thể tích phổi (cm3)Thể tích túi khí (cm3)
12-45173013125-160
Vịt30-70425520280-295
Ngỗng12-402040--
Gà tây13-20----
Bồ câu15-32--830-66
Bồ nông4----
Chim yến96-120----



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y