Bệnh Truyền Lây Chung Giữa Người Và Động Vật ( Zoonosis) | Vetshop.VN


Bệnh Truyền Lây Chung Giữa Người Và Động Vật ( Zoonosis)

Đăng bởi: | ngày: 28.6.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Nguyễn Ngọc Tiến
Cục Thú y
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Giới thiệu chung

Trên thế giới, bệnh truyền lây chung giữa người và động vật được gọi là “zoonosis”, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp do ghép từ “zoo” có nghĩa là động vật với từ “nosos” có nghĩa là bệnh. Bệnh truyền nhiễm chung giữa người và động vật có thể được truyền lây trực tiếp hoặc gián tiếp giữa người và động vật có xương sống khác. Trong chuyên môn, đôi khi bệnh được chia ra làm hai nhóm là anthropozoonosis và zooanthroponosis. Nhóm anthropozoonosis gồm những bệnh mà nguồn bệnh chủ yếu là ở trên động vật (động vật có xương sống không phải người) như bệnh lao bò, bệnh dại, bò điên, NIPAH,.., còn nhóm zooanthroponosis gồm những bệnh mà nguồn bệnh chủ yếu ở trên người, nhưng có thể lây truyền cho động vật và sau đó tồn tại trên động vật như một nguồn bệnh thứ cấp tạm thời và tiếp tục lây truyền (bệnh cúm lợn H1N1).

Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 60% bệnh truyền nhiễm hiện đang gây bệnh trên người là zoonosis và khoảng 75% bệnh mới xuất hiện gần đây là từ động vật truyền lây sang người. Trong lịch sử, đã có những vụ đại dịch gây chết rất nhiều người. Bệnh dịch hạch (Bubonic plague) xuất hiện từ Thế kỷ 15 đã giết chết 25% dân số châu Âu. Bệnh dịch hạch xuất hiện gắn liền với sự phát triển của quần thể chuột (nguồn bệnh) và bọ chét (nhân tố trung gian truyền bệnh). Bệnh sốt vàng da bắt nguồn từ khỉ ở châu Phi, lưu hành trong quần thể khỉ và lây truyền cho người qua muỗi. Bệnh lây lan ra khắp thế giới thông qua các hoạt động thương mại.

Tại Việt Nam, có nhiều loại bệnh truyền lây chung giữa người và động vật như bệnh dại, SARS, cúm gia cầm, bệnh do xoắn khuẩn (Leptospira), nhiệt thán, liên cầu khuẩn lợn typ II, giun bao ( Trichinella), lao, sốt xuất huyết,..

Các bệnh truyền lây chung giữa người và động vật khi xuất hiện thường gây tổn thất rất nặng nề. Nhiều bệnh có thể gây chết người nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như cúm A/H5N1, bệnh dại,.. Hiện nay, do vấn đề biến đổi khí hậu, bão lũ, lụt lội và đặc biệt nhiều hoạt động của con người đã, đang và sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh zoonosis như: việc nuôi thú cảnh (chó, mèo) có thể làm gia tăng các ca bệnh dại và một số bệnh ký sinh trùng, các hoạt động săn bắn thú rừng trái phép, khai thác rừng, xây dựng nhà máy thủy điện, nuôi nhốt động vật hoang dã,.. làm tăng sự tiếp xúc và có thể tương tác trao đổi mầm bệnh giữa con người với động vật hoang dã, các hoạt động chăn nuôi động vật tập trung phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng cơ hội tiếp xúc giữa con người với vật nuôi, ý thức phòng chống dịch của chủ vật nuôi và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế có thể làm gia tăng các loại dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người.

2. Các loại hình bệnh truyền lây chủ yếu

Bệnh zoonosis có thể truyền lây trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một số loài động vật chân đốt hoặc các nhân tố khác có trong môi trường.
  • Bệnh lây truyền trực tiếp (Direct zoonosis): thường là những bệnh mà mầm bệnh có thể tự khép kín vòng truyền lây trong một loài động vật như bệnh dại, nhiệt thán, Leptospira, Trichinella,..
  • Bệnh lây truyền theo chu kỳ vòng đời (Cyclozoonosis): thường là những bệnh mà mầm bệnh cần ít nhất hai loài động vật có xương sống trở lên để làm vật chủ trong quá trình hoàn thiện vòng truyền lây. Đây thường là bệnh ký sinh trùng như sán dây Taenia solium (lợn), sán dây Echinococcus granulosus (chó).
  • Bệnh lây truyền qua trung gian (Metazoonosis): thường là những bệnh của động vật có xương sống nhưng mầm bệnh cần thêm loài động vật không xương sống hoặc vật chủ trung gian khác để hoàn thiện vòng truyền lây như: bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết (cần có muỗi), bệnh ký sinh trùng da do Leishmania (cần có ruồi sandflies), dịch hạch (cần có bọ chét ký sinh trên chuột), bệnh sốt do Rickettsia (cần có ve),.. Để lây truyền, những loại bệnh này cần phải có quần thể động vật mang mầm bệnh, nhân tố trung gian truyền bệnh phù hợp và quần thể người. Hiện nay, nhiều bệnh lây truyền qua muỗi đang phát triển mạnh do vấn đề biến đổi khí hậu dẫn đến thay đổi phạm vi hoạt động của muỗi.
  • Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống (Food borne) như Salmonella, prion (trong bệnh bò điên) gây bệnh vCJD ở người (variant Creutzfeldt Jakob), E.coli O157:H7 thông qua sản phẩm thịt bò nhiễm mầm bệnh,..
  • Bệnh lây truyền qua vật chất hoại sinh (Saprozoonosis): là những bệnh mà tác nhân gây bệnh trong vòng truyền lây của nó có thể sinh trưởng trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ như bệnh giun đũa chó Toxocara canis (trứng giun trong đất), bệnh do Histoplasma (nấm sống trong đất có phân gia cầm, phân chim), bệnh Salmonella,..

3. Các loại động vật mang mầm bệnh

Trong tự nhiên, có nhiều loại động vật có mang mầm bệnh, tuy nhiên, có một số nhóm động vật nhất định thường tham gia vào quá trình truyền lây.
  • Dơi: Nipah, Sars, Ebola,..
  • Loài gặm nhấm: Hanta virus, Leptospira,..
  • Lợn: sán, Trichinella, Salmonella,..
  • Chim: H5N1, Salmonella, Campylobacter,..
  • Động vật linh trưởng: sốt vàng da, Ebola, HIV, sốt xuất huyết, đậu khỉ,..
Các tác nhân gây bệnh có thể là virut như: dại, Ebola, sốt xuất huyết, viêm não nhật bản, cúm gia cầm, sốt thung lũng Rift.., vi khuẩn như: dịch hạch, nhiệt thán, Leptospira, lao, sảy thai truyền nhiễm (Brucella), liên cầu khuẩn typ II ở lợn, qua thức ăn như Salmonella, Campylobacter,... ký sinh trùng như: sán dây, giun đũa, sán chó,.. Ngoài ra, tác nhân còn có thể là protein như prion gây bệnh bò điên, nấm (histoplasmosis),..

4. Phòng chống bệnh truyền lây chung giữa người và động vật

Hiện nay, do nhiều hoạt động của con người can thiệp vào tự nhiên đã làm gia tăng cơ hội tiếp xúc, trao đổi tác nhân gây bệnh giữa động vật nuôi, động vật hoang dã và con người, hơn nữa, các hoạt động giao thương quốc tế phát triển nhanh, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu làm thay đổi phạm vi hoạt động của các loài chân đốt (nhân tố trung gian truyền bệnh) và ảnh hưởng trực tiếp tới nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang,.. từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh zoonosis. Vấn đề phòng chống các bệnh mới nổi và bệnh tái xuất hiện đang đòi hỏi nỗ lực của tất cả các nước trên thế giới. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cùng với Tổ chức thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông-Lương thế giới (FAO) đã đưa ra sáng kiến “Một thế giớI, Một sức khỏe” (One World, one Health) nhằm gắn kết các ngành y tế, thú y và bảo tồn động vật hoang dã để cùng chung tay phòng ngừa các bệnh zoonosis.

Ở nước ta đã có Pháp lệnh thú y, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm là tiền đề cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch ở người và vật nuôi.

Trong phòng chống bệnh truyền lây, nguyên tắc cơ bản nhất là phá vỡ vòng truyền lây của tác nhân gây bệnh bằng cách:
  • Vệ sinh cá nhân (rửa tay sạch trước khi ăn uống hoặc chế biến thực phẩm, thực hiện “ăn chín uống sôi”, rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật, sử dụng bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với động vật hoang dã, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt không bị ô nhiễm bởi các chất thải của động vật,..)
  • Nuôi cách ly động vật trước khi cho nhập đàn hoặc đưa vào khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế lây truyền bệnh mới cho đàn vật nuôi và cho khu vực. Tiêm phòng vắcxin nhằm tạo miễn dịch chủ động cho người và vật nuôi. Tổ chức diệt chuột, ruồi, muỗi và các trung gian truyền bệnh khác.
  • Giảm thiểu các hoạt động tàn phá môi trường dẫn tới mất cân bằng giữa vật chủ - mầm bệnh - nhân tố trung gian truyền bệnh và môi trường.
Các hoạt động cần thiết cần ưu tiên triển khai như:
  • Giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng nhận biết và biện pháp phòng tránh dịch bệnh ở cấp cộng đồng. Tăng cường hợp tác hai ngành thú y và y tế trong phòng chống dịch. Xây dựng chiến lược quốc gia khống chế một số bệnh nguy hiểm.
  • Chủ động điều tra giám sát (bệnh mới hoặc lưu hành bệnh cũ) và khống chế ổ dịch, ưu tiên ở các khu vực có nguy cơ cao, từ đó thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về dịch bệnh.
  • Khi phát hiện ca bệnh, tập trung kiểm soát nguồn bệnh và nhân tố trung gian truyền bệnh.
  • Xử lý xác động vật và vật chất nhiễm mầm bệnh, thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực nhiễm bẩn để giết chết tác nhân gây bệnh.
  • Tiêm phòng cho người và động vật ở khu vực có nguy cơ cao, dự phòng sẵn nguồn vắcxin.
  • Tăng cường sức đề kháng cho người và động vật thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, lai phối giống tốt ở động vật nuôi.
  • Điều trị và cách ly sớm các ca bệnh ở người và động vật để hạn chế lây lan bệnh. Tiêu chuẩn hóa phác đồ điều trị. Xác định loại thuốc và dự phòng nguồn thuốc điều trị.
  • Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Kiểm soát chặt tại cửa khẩu, tuyến biên giới để hạn chế việc đưa mầm bệnh vào trong nước qua hoạt động thương mại, du lịch.
  • Tăng cường điều tra, nghiên cứu để hiểu rõ thêm về vòng truyền lây của dịch bệnh từ đó có biện pháp đối phó hiệu quả hơn.
  • Giảm thiểu sự tương tác giữa con người và động vật./.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y