Những Bệnh Hay Xảy Ra Trên Mèo Già | Vetshop.VN


Những Bệnh Hay Xảy Ra Trên Mèo Già

Đăng bởi: | ngày: 14.1.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Khi về già, sức khỏe của các bé mèo đã suy giảm
Khi về già, sức khỏe của các bé mèo đã suy giảm
Khi về già, sức khỏe của các bé mèo đã suy giảm rất nhiều, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu giai đoạn “quá tải” và đây cũng là nguyên nhân chính khiến chủ nuôi phải cẩn thận hơn trong việc chăm sóc mèo cưng. Lúc này, thận, gan của mèo cũng yếu dần đi. Chúng còn dễ mắc phải các bệnh như tăng huyết áp, cường giáp, vận động khó khăn và ung thư. Đặc biệt, tỷ lệ mèo mắc bệnh ung thư cao hơn chó rất nhiều.

Suy thận mãn tính:

Khi đã có tuổi, chức năng của thận thường suy giảm dần. Quá trình này không nhanh, nhưng lại khá đều vì thế dẫn đến tình trạng thận mất khả năng lọc. Loài mèo có một số lượng bộ máy lọc nhất định trong thận (là tiểu cầu thận và nephron) và những bộ phận này sẽ bị mất đi khi thành mạch máu dày lên theo số tuổi của mèo (quá trình này được gọi là viêm cầu thận mạn tính hoặc viêm thận kẽ mạn tính). Tuy có tiểu cầu dự trữ, nhưng rõ ràng số lượng này là không đủ vì thế các chất thải trong máu sẽ dần dần nhiều lên, gây ra nhiễm độc niệu (hay còn gọi là ure huyết). Phần lớn mèo già mắc chứng ure nhẹ, nếu bị stress và uống ít nước, bệnh tình này sẽ trở nên trầm trọng.

Đối với những chú mèo bị suy thận giai đoạn đầu, chế độ ăn uống và lối sinh hoạt có ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh trạng. Nếu ăn uống không đủ dinh dưỡng sẽ khiến chứng suy thận nhanh chóng chuyển biến xấu hơn. Và như đã nhắc đến trước đó, chứng mất nước được coi là có ảnh hưởng trực tiếp đến suy thận.

Dấu hiệu của bệnh suy thận: Chủ nuôi có thể quan sát và nhận biết bệnh suy thận qua những dấu hiệu như:

Sút cân, thèm uống nước.

Nếu đưa mèo cưng đi khám bác sĩ, sẽ phát hiện ra lượng albumin trong nước tiểu, nồng độ urea nitrogen (BUN) và creatinin trong máu tăng đồng thời giảm kali máu nhưng lại tăng phốt pho máu (nồng độ phốt pho trong máu cao).Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không rõ ràng, đôi khi, phải đến khi một nửa chức năng lọc máu của thận suy giảm thì ta mới có thể xác định được kết quả chính xác là có suy thận hay không.

Thông thường, những thay đổi xấu ở thận có thể dẫn đến tình trạng thất thoát protein từ huyết tương ra nước tiểu (trong nước tiểu có lẫn theo máu), đây có thể được coi là cảnh báo sớm nhất của suy thận, chủ nuôi nên để ý đến điều này.

Chủ nuôi nên làm gì: Thật ra thì, suy thận là tình trạng chung cho tất cả sinh vật, từ con người cho tới động vật. Chức năng của thận sẽ giảm dần theo thời gian và ta không thể nào ngăn chặn điều đó. Nhưng tất nhiên, vẫn có những “bí quyết” giúp làm giảm tốc độ của quá trình này.

Một trong số những biện pháp “hỗ trợ” mèo cưng suy thận đó là giữ nước cho cơ thể, và lời khuyên là nên cho mèo cưng uống đủ nước và ăn thức ăn ướt.

Bổ sung thêm chất chống oxy hóa (từ cá mòi, hoặc thức ăn đóng hộp có thành phần chống oxy hóa) vào chế độ ăn uống. Dầu cá có chứa axit béo omega-3 cũng có thể làm chậm sự tiến triển của viêm thận (dù ta không rõ nó có thể giảm đến mức độ nào).

Trên thị trường cũng có bán nhiều loại thức ăn dành cho vật nuôi có vấn đề về thận, chủ nuôi có thể xem xét và chọn lựa ra chế độ ăn uống thích hợp nhất cho mèo cưng của mình nhờ vào tư vấn của bác sĩ thú y.

Giữ vệ sinh răng miệng cho mèo cưng cũng là một biện pháp hay, vì rõ ràng ở con người, những bệnh về răng miệng thường có liên quan đến suy thận.

Thêm một điều mà chủ nuôi nên nhớ là đừng bao giờ tiêm vac-xin quá liều cho mèo cưng. Vì dù chưa được xác minh, nhưng có khả năng chính lượng van-xin tiêm vào đó đã khiến cho đa số các chú mèo lớn tuổi đều mắc bệnh về thận.

Cường giáp:

Cường giáp là một bệnh trạng khi tuyến giáp của mèo cưng hoạt động quá mức. Đây cũng là một vấn đề thường gặp ở các chú mèo lớn tuổi. Tuy nhiên, một số chủ nuôi lại nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh cường giáp thành sự “hồi xuân” đột biến của các bé mèo vì bệnh này thường dẫn đến sự tăng cường hoạt động. Nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng sút cân, hoạt động nhiều, giảm huyết áp, rối loạn tiêu hóa, hay khát nước, đi tiểu, bệnh tim và bất thường sinh hóa. Một điều nguy hiểm nữa là, bệnh cường giáp sẽ dẫn tới tình trạng suy thận.

Chủ nuôi nên làm gì: Thật may mắn là hầu hết các trường hợp gặp bệnh này đều dễ chẩn đoán. Nếu mèo cưng của bạn bị cường giáp, thì có thể điều trị bằng liệu pháp I-ốt phóng xạ tiêu diệt mô tuyến giáp bất thường. Một cách khác nữa là kiểm soát bệnh bằng cách uống thuốc methimazole (Tapazole). Tất nhiên bài viết chỉ đưa tên thuốc theo lý thuyết, chủ nuôi nên cẩn trọng và đưa thú cưng đi khám bác sĩ thú y để sự chỉ dẫn chính xác nhất.

Tăng huyết áp – Huyết áp cao:

Đo huyết áp cho mèo thường khó hơn khi đo cho con người, và càng tệ hơn là, kết quả đo được cũng chưa hẳn là chính xác. Nếu huyết áp của mèo cưng trên 170, các bác sĩ thú y có thể đã bắt đầu điều trị, tuy nhiên cũng có một số chuyên gia tin rằng huyết áp trên 180 mới thực sự nguy hiểm và cần quan tâm.

Hầu hết những chú mèo bị huyết áp cao đều bị cường giáp hoặc suy thận. Dấu hiệu phổ biến nhất mà chủ nhân có thể quan sát được đó là giảm thị lực hoặc thậm chí là mù lòa. Cao huyết áp sẽ phá hủy các mạch máu nhỏ một cách từ từ (các mạch máu ở mắt, tim, thận.. rất nhạy cảm nên dễ bị phá hủy hơn). Hiện nay, người ta vẫn chưa biết được rằng, chính bệnh tăng huyết áp dẫn đến suy thận hay ngược lại.

Chủ nuôi nên làm gì : Một loại thuốc phổ biến dành cho mèo bị tăng huyết áp đó là amlodipine (Norvasc…). Nếu mèo không chịu uống thuốc, bạn có thể hòa chung thuốc với thứ gì đó ít đắng hơn. Nhớ xin tư vấn của bác sĩ khi làm điều này nhé. Ngoài ra, chế độ ăn uống giảm muối cũng khá có ích cho mèo cưng có bệnh huyết áp cao.

Bệnh tiểu đường:

Những chú mèo quá béo sẽ dễ mắc bệnh tiểu đường. Triệu chứng của bệnh này là uống nhiều nước, đi tè nhiều hoặc sút cân nhanh chóng. Nhiều người lầm tưởng rằng mèo cưng của mình bị tiểu đường khi thấy lượng glucose trong máu và trong nước tiểu cao, tuy nhiên kết luận này vẫn chưa hẳn là chính xác nhé.

Chủ nuôi nên làm gì: Thường thi khẩu phần ăn uống có lượng carbohydrate cao sẽ khiến mèo cưng dễ mắc bệnh tiểu đường, vì vậy trong trường hợp này, bác sĩ thú y sẽ tư vấn cho chủ nuôi một chế độ ăn uống thích hợp giàu protein, chất xơ và giảm carbohydrate. Sau khi lượng glucose trong máu của mèo cưng đã ổn định, chủ nuôi vẫn nên đi làm các xét nghiệm về máu và nước tiểu cho mèo để phát hiện những bệnh tình tiềm ẩn khác nếu có nhé.

Quá ốm:

Quá mập thì không tốt, nhưng quá ốm cũng chẳng khá hơn tí nào đâu. Khi bước sang năm thứ 12, loài mèo thường khó giữ vững trọng lượng cơ thể của mình. Chúng có thể bị sụt cân trầm trọng dẫn đến tình trạng gầy trơ xương. Những chú mèo quá gầy thường rất dễ chết.

Chủ nuôi nên làm gì: Nếu phát hiện mèo cưng của mình đột ngột giảm cân một cách nghiêm trọng, chủ nuôi nên mau chóng đưa ấy đến chỗ bác sĩ thú y. Bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra kết quả về tình trạng sức khỏe của mèo cưng. Đồng thời, chủ nuôi cũng nên lưu ý một số điều sau đây:

Mèo già thường rất kén chọn. Phần lớn những chú mèo lớn tuổi đều bị bệnh răng miệng, thị lực, khứu giác và vị giác đều giảm sút. Chính những điều này đã dẫn tới tình trạng chán ăn ở mèo. Vì vậy, chủ nuôi nên cho mèo thịt (tươi hoặc đóng hộp), vì thịt có chứa hàm lượng calo cao rất tốt cho mèo già. Ngoài ra, mèo già cũng thường bị hấp dẫn bởi thức ăn có mùi thơm nồng, hơi ấm (khoảng 40°C), chúng còn thích bạn ở bên cạnh và dỗ dành khi chúng ăn nữa đấy.

Đừng cho mèo uống thuốc tẩy giun quá nhiều, vì chuyện sụt cân ở mèo già thường chẳng liên quan gì đến giun sán đâu. Một số thức ăn không hợp với mèo già mà chủ nuôi nên nhớ như: cá ngừ, thịt đóng hộp dành cho người hay thức ăn của trẻ.

Nếu sau khi áp dụng phương pháp mà bác sĩ thú y đã hướng dẫn trong một tháng và vẫn không có kết quả khả quan, lúc này bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đưa mèo đến chỗ bệnh viện chuyên hồi phục để bác sĩ ở đó có thể trực tiếp chăm sóc mèo.

Bệnh tim:

Mèo không hay bị trụy tim như ở người, nhưng chúng vẫn có thể bị bệnh cơ tim. Bệnh cơ tim thường tạo ra các cục máu đông phần dưới tĩnh mạch dẫn đến tình trạng tê liệt chân. Triệu chứng của bệnh này là mèo cưng sẽ thở nhiều, mở miệng để thở và rất dễ mệt mỏi. Bệnh cơ tim có thể có liên quan đến bệnh cường giáp vì vậy bác sĩ thường kiểm tra tuyến giáp và thận khi mèo gặp phải vấn đề tim mạch.

Chủ nuôi nên làm gì: Bệnh tim là một bệnh không dễ đối phó, vì vậy chủ nuôi phải đi gặp bác sĩ ngay trong trường hợp phát hiện thấy mèo cưng có triệu chứng của bệnh về tim.

Táo bón:

Khi về già, nhu động ruột giảm, vì vậy mèo sẽ dễ mắc bệnh táo bón. Đừng coi thường bệnh này vì táo bón sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và khi mất nước thì sẽ mắc phải một bệnh nghiêm trọng hơn, đó là viêm khớp.

Chủ nuôi nên làm gì: Tăng lượng chất xơ và nước uống trong khẩu phần ăn của mèo. Nếu tình trạng còn tiếp diễn, cho mèo dùng các loại thuốc có chứa petrolatum và lactulose, tuy nhiên, nên nhớ rằng những loại thuốc này không nên dùng quá nhiều và mèo bị tiểu đường thì phải cẩn thận khi dùng lactulose. Tốt nhất là chủ nuôi nên xin tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo chăm sóc mèo một cách đúng đắn nhất. Một bí quyết nữa là thử cho thêm cám gạo, hạt psyllium (hạt mã đề – có thể tìm thấy ở các shop nhập khẩu), cám lúa mì, bí ngô vào thức ăn của mèo để tăng cường chất xơ và giải quyết tình trạng táo bón nhé.

Viêm khớp:

Hầu hết mèo già đều chuyển động khó khăn, chịu đau đớn do viêm khớp. Lúc này, chúng sẽ không thể nhảy nhót, leo trèo linh hoạt như xưa nữa. Không như chó, mèo ít khi thể hiện cơn đau của mình. Chúng có thể đi chầm chập, từng khoảng cách ngắn, và khoảng căng ra giữa các khớp xương giảm. Nếu bạn chạm vào chúng, chúng sẽ thể hiện sự khó chịu, thậm chí nhằn tay bạn vì đau. Vai và khuỷu chân của mèo là thường là nơi đau đớn nhất. Chủ nuôi nên để ý rằng, nếu mèo cưng lê lết một chân hoặc chỉ bị đau một bên chân thì có khả năng cao là không phải do viêm khớp mà do tổn thương bên chân đó. Chủ nuôi nên xem xét để đưa bé đến bác sĩ nhé.

Chủ nuôi nên làm gì: Loài mèo không hợp với thuốc giảm đau, cho nên trong trường hợp mèo cưng quá đau đớn vì viêm khớp, thì thuốc chống viêm không steroid (như Rimadyl = Zenecarp = Carprofen) là lựa chọn khá tốt. Tất nhiên không thể cho mèo uống thuốc giảm đau trong một thời gian dài, đặc biệt khi các loại thuốc kể trên có thể có những tác dụng phụ khá nguy hiểm như chảy máu hệ tiêu hóa, thiếu máu, nhiễm độc gan, thận hay thủng ruột… Một số cách giảm đau ít nguy hiểm nhưng tác dụng kém hiệu quả hơn đó là sử dụng chất bổ sung glucosamine và chondroitin. Với liều lượng hợp lý, các cơn đau do viêm khớp của mèo cưng có thể giảm hẳn một cách vô cùng an toàn. Ngoài ra bạn còn có thể tiêm Adequan nếu như dùng glucosamine và chondrotin không có tác dụng. LƯU Ý: khi dùng thuốc nên tham khảo ý kiến và tuân theo chỉ định của bác sĩ thú y.

Một số lưu ý ngoài lề là hãy nhớ kiểm soát cân nặng của mèo cưng, vì thừa cân có thể có ảnh hưởng xấu đến viêm khớp đấy nhé. Cho bé mèo nằm trên đệm sưởi, sự ấm áp có thể khiến chúng dễ chịu hơn. Mát-xa nhẹ cũng là một cách rất hay giúp chúng cảm thấy thoải mái và bớt đau đớn.

Ung thư:

Như loài người, tuổi tác càng tăng thì khả năng mắc bệnh ung thư ở mèo càng cao. Triệu chứng của ung thư có thể là các cục u, bướu, các vết lở loét khó lành trên cơ thể, sút cân, chán ăn, khó ăn uống, nhai nuốt, tiêu chảy mãn tính, nôn mửa, chảy máu, khó di chuyển, đi ngoài bất thường.

Chủ nuôi nên làm gì: Nếu mèo có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, cần mau chóng đưa mèo cưng đến bác sĩ, càng sớm càng tốt. Bệnh ung thư rất nguy hiểm và có thể sẽ khiến mèo cưng qua đời bất cứ lúc nào đấy.

Khi về già, các bé mèo cũng yếu ớt, nhạy cảm và cần chăm sóc như chúng ta vậy. Chủ nuôi nên quan tâm tới các bé trong giai đoạn này nhé. Một lời khuyên cho chủ nuôi là cần đưa mèo cưng đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để có thể phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể mèo nhé.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y