Không Sử Dụng Kháng Sinh Trong Thức Ăn Chăn Nuôi | Vetshop.VN


Không Sử Dụng Kháng Sinh Trong Thức Ăn Chăn Nuôi

Đăng bởi: | ngày: 3.3.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Một trang trại chăn nuôi.
Hiện nay việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn gia súc với mục đích kích thích tăng trưởng đã bị cấm ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhất là ở Liên minh châu Âu. Trong tương lai không xa ...

Biên soạn: CTN-Gia cầm

Hiện nay việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn gia súc với mục đích kích thích tăng trưởng đã bị cấm ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhất là ở Liên minh châu Âu. Trong tương lai không xa, các nước khác cũng sẽ có những biện pháp chế tài nhất định đối với vấn đề này, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để chuẩn bị cho thời điểm đó, người chăn nuôi cần học tập và thực hành cách chăn nuôi không phụ thuộc kháng sinh để thích nghi với những thử thách sẽ gặp phải. Có ba khía cạnh cần quan tâm để ứng phó với tình hình này.

1. An toàn sinh học của trang trại

Kháng sinh có tác dụng bảo vệ cơ thể heo là một vấn đề rõ ràng không cần bàn cãi, vì chúng có khả năng kiềm tỏa sự nhân lên của các vi khuẩn gây bệnh. Trong điều kiện chăn nuôi thương mại hiện nay, tình trạng sức khỏe của đàn thường luôn chỉ đạt mức trung bình, chúng ta vẫn luôn phải dựa vào một số chất phụ gia nhất định. Vậy nếu không có kháng sinh trong thức ăn nữa, thì toàn bộ quy trình an toàn sinh học trong trại phải được đánh giá lại và nhiều khả năng là phải nâng lên đến một tiêu chuẩn mới. Có một quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt và hợp lý sẽ làm giảm hoặc xóa bỏ sự phụ thuộc vào kháng sinh hay các chế phẩm thay thế khác.

2. Điều chỉnh khẩu phần dinh dưỡng

Thuốc kháng sinh cho phép xây dựng một khẩu phần thức ăn có hàm lượng protein cao, vì chúng ức chế vi khuẩn phát triển trong điều kiện dư thừa từ protein chưa tiêu hóa trong đường ruột. Tuy nhiên, nếu không có thuốc kháng sinh, mức protein thô cần được cắt giảm xuống mức vừa đủ để đảm bảo động vật nhận được chính xác những gì chúng cần và hạn chế nguy cơ tiêu chảy. Suy luận logic này được áp dụng tương tự cho chất sắt, được biết đến là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của các chủng Escherichia coli gây bệnh, một tác nhân rất phổ biến chịu trách nhiệm về tiêu chảy ở heo con. Tương tự như vậy, các loại ngũ cốc chứa hàm lượng cao các polysaccharide không tinh bột (dạng carbohydrate không tiêu hóa) làm tăng độ nhớt trong đường ruột (lúa mạch đen, lúa mì, lúa triticale) cần được giảm thiểu hoặc cần dùng chung với các enzyme tiêu hóa phù hợp (xylanase, glucanase). Độ nhớt của dưỡng trấp trong lòng ruột tăng sẽ làm giảm nhu động ruột và làm tăng thời gian dành cho tác nhân gây bệnh xâm chiếm ruột. Ngược lại, chất xơ thô phải được tăng lên để tăng tính nhuận tràng. Kích thước hạt thức ăn cũng nên căn chỉnh lại, thức ăn với kích cỡ hạt thô hơn đã được chứng minh là làm giảm khả năng vi khuẩn gây bệnh định vị và nhân lên trong đường ruột; tuy vậy, không nên tăng kích cỡ hạt lên quá cao vì nó có bất lợi là làm giảm khả năng tiêu hóa của thức ăn.

3. Giải pháp sử dụng các chất phụ gia thức ăn mang tính kiềm khuẩn

Đây có lẽ là chủ đề được thảo luận rộng rãi nhất trong việc đối phó với vấn đề loại bỏ thuốc kháng sinh, nhưng hầu hết các chất phụ gia này không tạo ra được kết quả như mong muốn​​, một phần là vì sự kết hợp giữa các chất phụ gia này với vấn đề an toàn sinh học và cân đối khẩu phần nhằm mục đích ức chế vi khuẩn có hại đường ruột chưa từng được quan tâm trước đây. Lúc này, từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta chỉ biết được rằng các chất phụ gia sau đây có tính kiềm khuẩn hoặc sát khuẩn mạnh nhất và có thể thay thế kháng sinh trong thức ăn, bao gồm:
  1. Kẽm oxit
  2. Đồng sunfat
  3. Một số axit hữu cơ
  4. Tinh dầu: nếu chỉ dùng một mình tinh đầu thì tác dụng rất hạn chế, kết quả tốt nhất là khi kết hợp với các chất kẽm oxit, đồng sunfat hoặc axit hữu cơ).
  5. Các chất phụ gia khác có thể được sử dụng để gián tiếp nâng cao tình trạng sức khỏe đường ruột, bao gồm:
  6. Các enzyme tiêu hóa thông thường như lipase, protease, amylase để giúp thú triệt để hóa quá trình tiêu hóa chất dinh dưỡng; đồng thời, dùng các enzyme xylanase và beta-glucanase để tiêu hóa các polysaccharides không tinh bột nhằm làm giảm độ nhớt trong đường ruột.
  7. Prebiotics, ‘chất xơ chức năng’: để hỗ trợ sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột.
  8. Probiotics: để bổ sung số lượng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
  9. Globulin miễn dịch: tấn công và bất hoạt các tác nhân gây bệnh một cách trực tiếp và đặc hiệu.
Trong tự nhiên hoặc trên thị trường, còn có sẵn nhiều chất phụ gia khác, nhưng những nhóm chất kể trên đã được chứng minh là có hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất. Tất nhiên, tùy điều kiện cụ thể của trại (sức khỏe đàn, trình độ quản lý, loại khẩu phần dinh dưỡng) mà sử dụng loại sản phẩm nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho người chăn nuôi. Để biết thêm thông tin về cách lựa chọn loại phụ gia phù hợp, xin vui lòng tham khảo phần ‘Làm thế nào để lựa chọn loại chế phẩm bổ sung phù hợp cho trại heo của mình?’.

Tài liệu tham khảo
Ioannis Mavromichalis, 2013. How to prepare for an antibiotic ban in poultry and pig feed. Pig International.


Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y